QĐND Online - “Nguy cơ bệnh truyền nhiễm phát sinh trong mối tương tác con người - động vật - hệ sinh thái tại Việt Nam” là chủ đề của hội nghị quốc gia một sức khỏe lần thứ 3 do Bộ Y tế phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 3-2 tại Hà Nội .

Tại lễ khai mạc Hội nghị Một sức khoẻ lần thứ 3 tại Hà Nội, Liên hợp quốc (LHQ) đã công nhận “Một sức khoẻ” là thành tựu mới nhất mà Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này. Tuy nhiên, LHQ cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam còn cả một chặng đường dài phía trước để trở thành nước dẫn đầu về “Một sức khoẻ” trong khu vực. Trước những hiểm hoạ từ các căn bệnh mới và mới nổi lên, LHQ kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa việc chăm sóc sức khỏe con người, động vật và hệ sinh thái theo khuôn khổ tiếp cận thống nhất “Một sức khoẻ”.

Quang cảnh hội nghị.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Việt Nam là một trong những nước đầu tiên trong khu vực áp dụng phương pháp tiếp cận đa ngành từ năm 2003 và dần trở thành phương pháp “Một sức khỏe”. Phương pháp này được áp dụng trong Chương trình phối hợp hành động quốc gia phòng chống cúm gia cầm, dự phòng đại dịch và các bệnh truyền nhiễm mới nổi giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời cũng được áp dụng trong phòng chống các bệnh lây truyền như SARS, cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H7N9, bệnh dại và Ebola tại Việt Nam. Việt Nam đã triển khai tích cực, hiệu quả các hoạt động phối hợp liên ngành như thành lập các ban chỉ đạo, ban hành Thông tư liên Bộ 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT giữa Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn phối hợp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Hiện nay, nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người đã ghi nhận ở Việt Nam như cúm A/H5N1 và đã có trường hợp tử vong; bệnh do liên cầu khuẩn lợn ở người với 77 trường hợp mắc và 15 trường hợp tử vong (năm 2014); bệnh dại với 65 trường hợp mắc (năm 2014); bệnh than với 49 trường hợp mắc... Tuy nhiên, một số bệnh mới nổi như: Cúm A/H7N9, MERS-CoV, Ebola, dịch hạch chưa ghi nhận trường hợp mắc tại Việt Nam...

Tại hội nghị, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, kết quả bền vững của phương pháp “Một sức khỏe” đòi hỏi cách tiếp cận đa ngành, không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe con người và động vật mà phải bao gồm cả các đối tác khác trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, sức khỏe hệ sinh thái và các bộ, ban, ngành liên quan đến quy hoạch phát triển. Đến nay, Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt nhưng vẫn cần xây dựng một cơ chế phối hợp tiếp cận mang tính chiến lược phù hợp với kế hoạch và lộ trình hành động cho phương pháp “Một sức khỏe”…

Tin, ảnh: THU HƯƠNG