Tại “Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững” do Nhóm bạn của Chủ tịch (FotC) về Đô thị hoá tổ chức, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, phát biểu khai mạc, đề cao ý nghĩa của Đối thoại đối với việc triển khai ưu tiên của APEC trong năm 2017 về “thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm”. Tham dự Đối thoại có 150 đại biểu và diễn giả đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các cơ quan của Việt Nam và các tổ chức quốc tế, thảo luận các các vấn đề nóng bao gồm liên kết trong phát triển đô thị khu vực tiến tới bền vững; phát triển nhà ở đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu; các mô hình phát triển hiệu quả năng lượng và tăng trưởng xanh…

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững. Ảnh: apec2017.vn.

Hiện có khoảng 1,8 tỷ người (khoảng 60% dân số) trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sống tại đô thị. Dự tính cư dân đô thị sẽ tăng lên 2,4 tỷ người (tăng 33%) vào năm 2050. Một số nền kinh tế trong khu vực sẽ có tốc độ đô thị hóa trên 80%, trong khi các nền kinh tế khác cũng tiếp tục đô thị hóa nhanh chóng và sẽ có tới 14/37 siêu đô thị của thế giới nằm trong khu vực. Chia sẻ về thực tế Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh cho biết sau 30 năm đổi mới, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về chất lượng và số lượng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% với vào năm 2009 lên khoảng 36,6% vào năm 2016. Khu vực đô thị chiếm tỷ lệ 70% chi phối trong tổng GDP, mang lại nhiều giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất nhập khẩu, tiến bộ khoa học công nghệ và có tác dụng lan tỏa thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng và trong cả nước.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, đang gặp nhiều khó khăn như: tốc độ đô thị quá cao đã vượt qua khả năng điều hành của chính quyền địa phương; sự phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; vấn đề di cư thiếu kiểm soát; chênh lệch giàu nghèo; liên kết đô thị-nông thôn… Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh: “Quản lý sự chuyển đổi đô thị là một nhiệm vụ khó khăn đối với các nền kinh tế trong khu vực APEC, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và tác động của biến đổi khí hậu. Đây cũng là những thách thức lớn cho tiến trình phát triển tiếp theo của Việt Nam nói riêng cũng như các nền kinh tế thành viên APEC nói chung...”.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tại phiên Đối thoại APEC về Đô thị hóa bền vững. Ảnh: Hữu Dương.

Trước những khó khăn, thách thức đó, các nền kinh tế thành viên APEC cần có các chiến lược, giải pháp đa ngành, liên kết nhằm hỗ trợ cho quá trình quản lý đô thị; giải quyết vấn đề và thúc đẩy sáng tạo hướng tới phát triển bền vững, bao trùm; chính sách phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững; liên kết vùng trong phát triển đô thị; phát triển nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình phát triển năng lượng hiệu quả và tăng trưởng xanh. 

* Nhóm HRDWG hôm nay họp phiên toàn thể. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp đã tham dự và phát biểu khai mạc, nhấn mạnh chìa khóa của sự phát triển năng động của châu Á – Thái Bình Dương là nguồn nhân lực dồi dào với trình độ tay nghề kỹ thuật cao cùng sự hợp tác chặt chẽ của các nền kinh tế thành viên. Nội dung thảo luận của cuộc họp chủ yếu xoay quanh công tác chuẩn bị cho Đối thoại Chính sách cấp cao về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số (HLPD HRD) cũng như rà soát việc triển khai các chiến lược và kế hoạch hoạt động của nhóm trong thời gian tới.

* Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) cũng có phiên làm việc ngày thứ 2, tiếp tục thảo luận về các vấn đề liên quan đến thuận lợi hóa thương mại, kết nối, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, đối thoại giữa các ngành công nghiệp và tăng cường tham gia của doanh nghiệp. Cuộc họp Ủy ban CTI sẽ có phiên làm việc cuối cùng trong ngày 15-5.

* Các hoạt động đầu tiên của Nhóm AHSGIE trong khuôn khổ SOM 2 cũng bắt đầu trong sáng 14-5. Trên cơ sở các thảo luận trong dịp Hội nghị SOM1 tại Nha Trang, các đại biểu tiếp tục trao đổi về các vấn đề liên quan tới Lộ trình APEC về kinh tế mạng. Lộ trình APEC về kinh tế mạng được đề ra nhằm phát huy tối đa tiềm năng của Internet và nền kinh tế số thông qua việc thúc đẩy áp dụng công nghệ mới nổi như kết nối vạn vật (IoT), khuyến khích các luồng thông tin xuyên quốc gia được bảo đảm an toàn, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách số.

Nhóm PPWE trong ngày tổ chức “Hội thảo về Phụ nữ trong Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM)” nhằm tìm các giải pháp xây dựng môi trường thích hợp cho phụ nữ tham gia khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán; thu hẹp khoảng cách giới trong giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán; tăng cường vai trò và hỗ trợ phụ nữ tham gia, đóng góp trong lĩnh vực này. Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra trong ngày 16-5.

* Chiều 14-5, Việt Nam đã đăng cai tổ chức cuộc họp Ủy ban điều hành của Hội đồng hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (PECC). Có khoảng 40 đại biểu đến từ 26 ủy ban thành viên của PECC tham dự cuộc họp.

CHUNG ANH