Trong khuôn khổ Ủy ban thương mại và đầu tư (CTI) đã diễn ra Hội thảo của Nhóm bạn Chủ tịch về Đô thị hóa với chủ đề: “Xây dựng phương pháp đo đạc và nhận thức tính bền vững của các thành phố trong khu vực APEC”. Hiện nay châu Á - Thái Bình Dương đang đi đầu thế giới về tốc độ đô thị hóa. Trong tình hình đó, việc hình thành các chính sách phát triển hạ tầng cơ sở đô thị hiệu quả và bền vững cũng như các biện pháp triển khai các chính sách này là một ưu tiên hàng đầu và cũng là một thách thức phát triển đối với nhiều thành viên APEC.
Hội thảo “Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên”. Ảnh: Hữu Dương.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển hạ tầng cơ sở đô thị hiệu quả và bền vững, Tiến sĩ Malone Lee Lai Choo, Giám đốc Trung tâm Các đô thị châu Á phát triển bền vững - Khoa Thiết kế và Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết Singapore đã thực hiện chỉnh trang đô thị gần 50 năm nay. “Chúng tôi làm sạch các con sông và thực hiện nghiêm chỉnh luật và các quy định về môi trường để đảm bảo rằng tất cả mọi người đều nhận thức được ảnh hưởng xấu từ những hành động gây ô nhiễm của mình. Singapore cũng đã phát triển việc xử lý rác thải và chấm dứt việc xả thải ra môi trường”. Bà Lee Lai Choo cũng nhấn mạnh vai trò tham gia bảo vệ môi trường của cư dân đô thị cũng như sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc chỉnh trang môi trường đô thị.
Hội thảo “Kết nối Giáo dục và Khởi nghiệp: Thanh niên, Phụ nữ và Vận động viên” do Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG) tổ chức là một trong những sáng kiến góp phần bảo đảm tính bao trùm về kinh tế và xã hội của các thành viên APEC. Tại hội nghị, bà Lê Thị Hoàng Yến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - nêu bật tầm quan trọng của khởi nghiệp đối với các nền kinh tế thành viên APEC. Đại diện Việt Nam mong muốn các đại biểu cấp cao APEC đóng góp ý kiến thảo luận về việc kết nối giáo dục với khởi nghiệp, trong đó quan tâm tới thanh niên, phụ nữ và vận động viên. Bà cũng hy vọng, qua hội thảo này, Việt Nam sẽ tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác, đoàn kết với các thành viên khác của APEC trên mọi phương diện.
Hội nghị Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC. Ảnh: apec2017.vn.
Chiều 13-5 cũng diễn ra phiên thảo luận cuối cùng của Hội nghị Mạng lưới các trung tâm nghiên cứu APEC (ASCC). Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về các giải pháp nhằm nâng cao năng lực và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Nhiều ý kiến cho thấy MSME đang góp phần quan trọng vào tăng trưởng của các nền kinh tế APEC, song vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính, xây dựng mạng lưới đối tác và nâng cao trình độ nguồn nhân lực. Để thích nghi với những xu thế và thách thức mới trong khu vực, MSME cần xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa vào áp dụng công nghệ mới và thương mại điện tử. Một số hướng giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và xây dựng mạng lưới các MSME, tăng cường sự tham gia của MSME trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng đã được đề cập đến.
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị đã gợi mở nhiều ý tưởng, biện pháp nâng cao sự năng động của APEC, khẳng định vai trò không thể thiếu của APEC trong cấu trúc khu vực đang định hình và là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu trong khu vực và thế giới. Các ý kiến trong Hội nghị đã nêu bật vị thế của châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu, với tỷ trọng GDP khu vực trong GDP toàn cầu đạt tới 53,9% (số liệu năm 2015) và bao gồm 5 trong số 10 nền kinh tế thu hút đầu tư nước ngoài nhiều nhất thế giới.
Diễn đàn an toàn thực phẩm thuộc Tiểu ban Tiêu chuẩn và hợp chuẩn SCSC. Ảnh: Hữu Dương.
Trong ngày cũng diễn ra các hoạt động của Nhóm bạn của Chủ tịch (FotC) về thuận lợi hóa thương mại và Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP); cuộc họp toàn thể của Ủy ban CTI; diễn đàn an toàn thực phẩm thuộc Tiểu ban Tiêu chuẩn và hợp chuẩn (SCSC); cuộc họp của Tiểu nhóm Mạng lưới giáo dục (EDNET) thuộc Nhóm Nhóm công tác về phát triển nguồn nhân lực (HRDWG); cuộc họp của Nhóm HRDWG chuẩn bị cho Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số (HLPD HRD), một trong những hoạt động quan trọng nhất diễn trong dịp Hội nghị SOM2 và các hội nghị liên quan, sẽ diễn ra trong ngày 15-5 tới.
HỮU DƯƠNG