Tham dự hội nghị có Chủ tịch IPU Xa-bơ Chau-đu-ri, Tổng Thư ký IPU Mác-tin Chung-oong (Martin Chungong); lãnh đạo Quốc hội/nghị viện và hơn 200 đại biểu đến từ Quốc hội của 24 nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cùng các đại diện của các tổ chức quốc tế... Phía Việt Nam, tham dự hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cùng lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành và một số đại biểu Quốc hội.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc hội nghị. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh ý nghĩa thiết thực của việc tổ chức hội nghị trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức mang tính toàn cầu (toàn văn bài phát biểu được đăng trên số báo ra hôm nay).

Chủ tịch IPU Xa-bơ Chau-đu-ri phát biểu, hội nghị là sự thể hiện của việc tiếp tục hợp tác chặt chẽ giữa Quốc hội Việt Nam và IPU. Đây cũng được xem như bước ngoặt mới trong cam kết của các Nghị viện thành viên IPU đối với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Sự tham dự của các nghị sĩ trong khu vực phát đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết của các nhà lập pháp đối với SDGs. Vấn đề cấp bách hiện nay là, trong quá trình hành động nhằm thực hiện SDGs, các nhà lập pháp cũng cần chỉ ra được sự khác biệt mà công việc và hành động của các nhà lập pháp tạo ra cho người dân, đặc biệt trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.

Theo Chủ tịch IPU, biến đổi khí hậu là thách thức nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới mọi quốc gia trên thế giới. Ước tính khoảng 80% thiên tai xảy ra trên toàn thế giới là do biến đổi khí hậu. Trong 45 năm qua, 88% người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai nằm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm tác hại của thiên tai có kết nối chặt chẽ với các nỗ lực tăng trưởng, giảm nghèo, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của các nước. Các Nghị viện đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình xác định lộ trình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, do đây là các cơ quan thực hiện các hoạt động liên quan đến thể chế. Vì vậy, IPU và các Nghị viện thành viên cam kết lãnh đạo và tích cực tham gia để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đặc biệt nhấn mạnh, hội nghị với sự tham dự của đông đảo các nhà lãnh đạo Quốc hội, các nhà lập pháp là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đối với tất cả các quốc gia, dân tộc. Đây là cơ hội để TP Hồ Chí Minh mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề biến đổi khí hậu; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ mai sau.

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, TP Hồ Chí Minh nằm ở vị trí cửa sông Sài Gòn-Đồng Nai, có địa hình thấp nên gần đây phải đối mặt với thách thức mới mang tính thời đại, đó là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá TP Hồ Chí Minh là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Qua đánh giá các yếu tố gây ra biến đổi khí hậu, các nhà khoa học nhận định, các yếu tố tác động mạnh nhất đến TP Hồ Chí Minh là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Trong những năm qua, tình trạng nước biển dâng ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân thành phố. Trước thực trạng này, TP Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được và đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với biến đổi khí hậu ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như: Quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý nước, nông nghiệp...

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ mong muốn, bên cạnh việc tăng cường giao lưu, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, các thành phố, hội nghị lần này còn là kênh kết nối thông tin hiệu quả nhằm hướng đến sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, chung sức cùng nhau để ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao, trách nhiệm và hành động của các nhà lập pháp, nhiều ý tưởng, đề xuất từ hội nghị sẽ thành hiện thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của lập pháp, của nghị viện trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu.

Ngay sau phiên khai mạc, với sự điều hành của Tổng Thư ký IPU Mác-tin Chung-oong, các đại biểu đã triển khai các nội dung của Phiên họp toàn thể thứ nhất, với nội dung: Các Mục tiêu Phát triển bền vững và vai trò của các Nghị viện để đạt được các mục tiêu này; thúc đẩy bình đẳng giới và y tế trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu. Chiều cùng ngày, các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề Ứng phó với biến đổi khí hậu. Các đại biểu lần lượt trình bày tham luận, thảo luận về các nội dung: Các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó của các quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Cam kết quốc tế và yêu cầu đặt ra với các nhà lập pháp.

* Buổi chiều và buổi tối cùng ngày diễn ra Lễ công bố Bộ tiêu chí tự đánh giá việc thực hiện SDGs dành cho các Nghị viện do IPU/UNDP xây dựng; Lễ chuyển giao chức Chủ tịch Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) giữa Quốc hội Fiji và Quốc hội Việt Nam; tiệc chiêu đãi các đoàn tham dự hội nghị do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì.

* Suốt thời gian diễn ra hội nghị trong ngày 11-5, lãnh đạo Quốc hội nước ta đã thực hiện nhiều cuộc tiếp xúc với các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội/Nghị viện các nước tham dự hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Chủ tịch IPU Xa-bơ Chau-đu-ri và Tổng Thư ký IPU Mác-tin Chung-oong; tiếp Chủ tịch Quốc hội Ti-mo Lét-xte (Timor Leste) A-đơ-ri-tô Huy-gô Đơ Cốt-xta (Aderito Hugo Da Costa); tiếp Chủ tịch Hạ viện Phi-líp-pin (Philippines) Pan-ta-lê-ông An-va-rét (Pantaleon Alvarez).

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tiếp Phó chủ tịch Quốc hội Lào Xom-phanh Pheng-khăm-my (Somphanh Phengkhammy); tiếp Phó chủ tịch Hội đồng Lập pháp/Quốc hội Thái Lan Pe-ra-sắc Po-dít (Peerasak Porjit).

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tiếp Phó chủ tịch Quốc hội Fiji Ru-vê-ni Na-đa-lô (Ruveni Nadalo).

Ngày 12-5, hội nghị tiếp tục diễn ra.

CHIẾN THẮNG - DUY MINH