UBND tỉnh Hà Tây và Tập đoàn Nam Cường vừa tiến hành lễ khởi công xây dựng tuyến đường Trục phát triển kinh tế, xã hội Bắc - Nam tỉnh Hà Tây. Tuyến đường được xây dựng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng – chuyển giao), với tổng số vốn đầu tư trên 7.694 tỷ đồng.

Việc xây dựng tuyến đường trục sẽ tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh Hà Tây và trong thời gian tới là khu vực phía Tây của Hà Nội.

Bên cạnh đó, việc xây dựng tuyến đường trục Bắc Nam tỉnh Hà Tây nhằm kết nối mạng lưới đường trục hướng tâm Hà Nội như: Quốc lộ 32, đường Láng - Hòa Lạc, Quốc lộ 6, Quốc lộ 1A, đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, hệ thống các tuyến tỉnh lộ và một số tuyến đường đang hình thành như đường trục phát triển Tây Thăng Long, trục phía Nam tỉnh Hà Tây, đường Đỗ Xá - Quan Sơn, trục phát triển phía Bắc Hà Đông thông qua đường vành đai IV....góp phần nâng cao hiệu quả mạng lưới giao thông của tỉnh Hà Tây và các tỉnh phụ cận, đồng thời giảm bớt lưu lượng xe lưu thông trực tiếp qua thủ đô Hà Nội; kết nối các quốc lộ, mạng đường cao tốc: phía Bắc, Tây Bắc, Tây Nam với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến các tỉnh Đông Bắc và cụm cảng Hải Phòng - Đình Vũ.

Hơn nữa, tuyến đường sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, là cơ sở để hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị mới, nâng cao giá trị sử dụng đất, dịch chuyển tỷ lệ phân bố lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Hà Nội mở rộng tới đây. Mặt khác, tỷ lệ giao thông hiện tại trong khu vực này cũng thấp so với quy hoạch. Chính vì vậy, việc đầu tư xây dựng tuyến đường là cần thiết và phù hợp với quy hoạch của Hà Nội.

Với quy mô dân số khoảng 500.000 người, việc xây dựng tuyến đường sẽ tạo điều kiện phát triển không gian đô thị hai bên; quy hoạch đồng bộ các khu công nghiệp, mạng lưới dịch vụ, thương mại, các trung tâm văn hóa, làng nghề...gắn kết các khu kinh tế hiện có tạo thành hệ thống bổ trợ cho nhau thúc đẩy phát triển kinh tế dân sinh trong tỉnh và khu vực

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính khẳng định: Dự án đường Trục phát triển kinh tế - xã hội Bắc Nam có vị trí nằm giữa vành đai 4 và đường Hồ Chí Minh nên có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực kinh tế xã hội của tỉnh Hà Tây nói riêng và vùng Thủ đô nói chung.

Phối cảnh dự án tuyến đường Trục phát triển kinh tế, xã hội Bắc - Nam tỉnh Hà Tây

Tuyến đường này có chiều dài 63,32 km; mặt cắt ngang đường là 42 m (6 làn xe cơ được bố trí hai bên, giữa là dải cây xanh phân cách rộng 5m). Dọc hai bên đường là đô thị mới; tốc độ thiết kế là 80 km/h. Đoạn qua đô thị với tổng chiều dài 22 km kéo dài từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 có chiều rộng mặt cắt là 150m với 18 làn xe cơ giới. Đoạn đường này được phân bổ như sau: Ngoài trục đường chính rộng 42m, mở tiếp sang hai bên là 2 dải phân cách rộng 18,25m sẽ được trồng cây xanh, hoa...dưới dạng công viên mở, ngoài tác dụng làm giảm ồn, bụi cho các khu đô thị hai bên, còn làm tăng sự hiện đại của tuyến đường được hòa quyện với thiên nhiên, cây cỏ.

Tiếp đến mỗi bên đều được bố trí 2 tuyến đường đô thị với 6 làn xe. Với các tuyến đường đô thị liên thông này, việc di chuyển giữ các khu hoàn toàn thuận lợi và không phải ra trục đường chính, nhờ đó bài toán tai nạn giao thông đối với dân cư nơi có đường cao tốc đi qua cơ bản được giải quyết.

Với mặt cắt rộng 150m, được bố trí với 6 làn đường với 18 làn xe, 7 dải cây xanh và 8 dải đèn cao áp. Toàn bộ hệ thống cống các hệ thống dây điện, thông tin liên lạc, cáp.... đều được thiết kế ngầm và hiện đại (có cống thoát nước rộng 2,5m x2 m). Sau khi hoàn thành, tuyến đường không chỉ sẽ là tuyến đường hiện đại nhất Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung (tính đến thời điểm hoàn thành) mà còn được coi là một điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan của Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Qui hoạch thổng thể và qui hoạch chi tiết của dự án được công ty Tedi- công ty tư vấn thiết kế hàng đầu của Bộ Giao thông Vận tải kết hợp với một số công ty tư vấn có uy tín khác của Việt Nam và quốc tế triển khai.

Theo thỏa thuận của hợp đồng BT, chủ đầu tư (Tập đoàn Nam Cường) tự thu xếp nguồn vốn, tự tổ chức xây dựng hoàn thành công trình BT sau đó chuyển giao cho bên A (tỉnh Hà Tây) sở hữu, quản lý, khai thác và sử dụng công trình BT. Để hoàn trả cho việc bên B xây dựng và hoàn thành công trình BT, bên A sẽ giao cho bên B khu đất để thực hiện dự án khác nhằm thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hợp lý.

Dự án có thời gian thi công trong 5 năm.

Theo: HNM-Lan Hương