Cuối tháng Bảy vừa rồi, thư viện tỉnh Bình Dương đã trao giải cuộc thi “Viết tiếp hành trình tuổi 20”. Bà Võ Thị Như Quỳnh – phó giám đốc thư viện, cho biết: “Cuộc thi “Viết tiếp hành trình tuổi 20” năm nay nằm trong kế hoạch “mỗi năm một lần tổ chức thi tìm hiểu” của thư viện tỉnh. Nhưng thật đặc biệt cuộc thi này không chỉ thu hút các bạn trẻ mà có đủ mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia…”.
Được biết chỉ trong một thời gian phát động ngắn từ 26-3-2006 đến 19-5-2006, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi “Viết tiếp hành trình tuổi 20” đã nhận được gần 10 nghìn bài tham dự. 80% số bài dự thi là của đoàn viên thanh niên, số còn lại là của các thành phần khác. Người tham gia cuộc thi có cả các tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… BTC đã chấm và trao giải thưởng đợt 27-7-2006 với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 100 giải khuyến khích cho các cá nhân và ba giải tập thể.
Đỗ Hữu Nghiêm (giải nhất), hiện công tác tại Văn phòng thị ủy thị xã Thủ Dầu Một, viết: So với lớp thanh niên ngày nay, người thanh niên của gần 40 năm về trước có một cách sống khác, một cách sống không lắm chiều cạnh, không tự do, nhiều vẻ, nhưng lại trong sáng đến thánh thiện, đến kỳ lạ và sự hy sinh, cống hiến của họ là vĩnh cửu, vô giá đối với dân tộc Việt Nam. Ngọn lửa của các anh, các chị thế hệ trước đã thắp lên, sẽ luôn được thế hệ hôm nay gìn giữ và tiếp sức để nó luôn sáng mãi đến tương lai...
Được biết chỉ trong một thời gian phát động ngắn từ 26-3-2006 đến 19-5-2006, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi “Viết tiếp hành trình tuổi 20” đã nhận được gần 10 nghìn bài tham dự. 80% số bài dự thi là của đoàn viên thanh niên, số còn lại là của các thành phần khác. Người tham gia cuộc thi có cả các tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… BTC đã chấm và trao giải thưởng đợt 27-7-2006 với 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 100 giải khuyến khích cho các cá nhân và ba giải tập thể. |
Cùng với cảm tưởng về sự cống hiến của tuổi hai mươi qua các thời kỳ, Nguyễn Viết Phúc (giải nhì) ở Hội nông dân tỉnh Bình Dương đã viết bằng những vần thơ mộc mạc nhưng chất chứa bao điều suy nghĩ: Ai cũng có tuổi 20/ Một thời ước mơ/ Một thời nồng cháy/ Những ước mơ tuổi trẻ/ Vút bay cao/ Muốn khẳng định mình/ (…) Tuổi 20/ Cuộc đời đẹp nhất/ Rực rỡ ước mơ/ Sức sống diệu kỳ/ Đã làm nên bao điều kỳ tích/ Cuộc sống ơi!/ Tuổi trẻ ơi!/Hãy sống mãi/ Với tuổi 20…
Điều dễ nhận thấy ở cuộc thi này là thanh niên hôm nay đang cần có một môi trường sống và làm việc thật trong sạch, lành mạnh và đúng với khả năng mà họ đã được trang bị. Bạn Nguyễn Hồng Nhung (giải ba) ở Đoàn thanh niên phường Phú Thọ, thị xã Thủ Dầu Một, nêu lên một thực trạng khá phổ biến hiện nay: Khi “phong bì” trở thành tệ nạn, đổ bộ vào cả giảng đường, bệnh viện, thì lớp trẻ chúng ta càng cần có ý thức để siết chặt tay, dồn đuổi tệ nạn đến cùng. Khi đâu đó có bạn mệt mỏi, buông xuôi thì nơi đây những ngọn lửa màu xanh yêu thương và hy vọng sẽ thắp lên, động viên nhau giữ vững tinh thần. Khi xu hướng vọng ngoại đang lên cao thì nơi đây chúng ta truyền cho nhau tinh thần tự tôn dân tộc và ý thức về dòng máu Việt vinh quang. Giặc hôm nay không phải là giặc ngoại xâm nhưng đâu đó những người nông dân đang thay cơm chiều bằng củ sắn, củ khoai; là lòng tự hào dân tộc, lòng tin bị xói mòn, là nạn quan liêu, tham nhũng,… Nếu chưa có sứ giả thì tuổi trẻ chúng ta sẽ tự làm sứ giả, với trái tim nóng và cái đầu đầy lý trí, cần tìm nhau, giục giã tiến bước xây dựng đất nước mình.
Còn Nguyễn Thành Lập (giải nhì) ở Phòng cảnh sát điều tra tội phạm-Công an Bình Dương, thì trăn trở: Thất vọng biết mấy khi xã hội vẫn còn những bạn trẻ có những suy nghĩ thấp kém… Hằng ngày thay vì cắp sách đến trường, vào thư viện nghiên cứu tài liệu, sách vở nâng cao trình độ thì các bạn lại vùi đầu vào những tụ điểm ăn chơi, phung phí tiền bạc trong khi chính các bạn chưa bao giờ làm ra những đồng tiền như thế. Đừng trách họ quá nhiều mà hãy trách các bậc làm cha, làm mẹ đã quá nuông chiều con cái, để rồi đến một lúc nào đó có muốn nói lên hai chữ “hối hận” cũng đã quá muộn màng... Hãy biến mình thành người có ích cho xã hội, đừng bao giờ để mình trở thành gánh nặng cho gia đình và cho xã hội, các bạn nhé!
Bạn Đỗ Hữu Nghiêm đề nghị: Xin hãy mạnh dạn sử dụng và bố trí những cán bộ trẻ đủ năng lực, đạo đức, phẩm chất chính trị. Điều chúng tôi cần là một môi trường làm việc – nơi mà chúng tôi có thể được tiếp xúc, được va chạm, được phát huy sự năng động, sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm quý báu từ thực tế công tác của mình và những người đi trước…
Xin được kết thúc bài viết này bằng suy nghĩ chân thành của chiến sĩ trẻ Phạm Nguyễn (giải khuyến khích) ở Trung đoàn B29: “Mỗi thời kỳ lịch sử đều có những hoàn cảnh chủ quan và khách quan riêng. Chính vì vậy đừng nên áp đặt công thức “lý tưởng, sự nghiệp và tình yêu” của thời chiến cho thời bình hôm nay. Nhưng điều cốt lõi nhất thì không thể nào thay đổi được. Đó là, các bạn trẻ chúng ta hãy sống, làm việc và yêu đúng với tinh thần và trách nhiệm của người thanh niên đối với Tổ quốc. Nói nhiều, hứa nhiều không phải là tốt. Cần phải biết hành động và lập nhiều thành tích. Hãy hành động bằng khát vọng cống hiến, bằng ngọn lửa của tuổi 20 ngày ấy cho tuổi 20 hôm nay. Đúng như lời hát: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”.
Băng Phương