QĐND - Càng nghe những câu chuyện về tình cảm giữa các hộ kết nghĩa ở Binh đoàn 15, chúng tôi càng thấm thía chiều sâu và tính bền vững của mô hình này. Những hộ công nhân người Kinh và dân tộc thiểu số đã tự nguyện đến với nhau bằng “tình làng nghĩa xóm” rồi trở thành những người anh em chí cốt, sống chết có nhau.
Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hiện nay nhiều mối quan hệ xã hội đang bị xuống cấp. Ở phố phường không ít nơi, nhà này liền kề nhà kia mà cả năm không sang nhà nhau, không biết tên nhau, “vui, buồn” không để ý. Còn ở nông thôn, vốn đậm đà “tình làng, nghĩa xóm” từ bao đời, thì bây giờ nơi này, nơi kia cũng đã “vơi đi ít nhiều”… Trong khi đó, ở Binh đoàn 15 các hộ công nhân người Kinh (hầu hết quê ở các tỉnh miền Bắc) và các hộ công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tuy rất khác nhau về phong tục tập quán, văn hóa, lối sống, ngôn ngữ, kinh tế… lại tự nguyện gắn kết với nhau thân thiết như anh em ruột thịt. Trong khi nhiều nơi người ta tranh giành nhau, thậm chí gây ra án mạng chỉ vì tranh chấp vài tấc đất, thì các cặp hộ gắn kết sẵn sàng giúp nhau hàng héc-ta đất trồng cao su, cà phê, cho nhau vay mượn hàng chục, hàng trăm triệu đồng làm kinh tế gia đình, bày vẽ cho nhau cách làm ăn tận tình, chu đáo; thường xuyên thăm hỏi đời sống gia đình, chuyện học hành của con trẻ, sức khỏe của các cụ già, lúc vui, lúc buồn họ đều có nhau bên cạnh... Quan hệ của những người anh em kết nghĩa ấy thực sự bền chặt.
Gặp các cặp hộ, nghe họ nói, chứng kiến cuộc sống của họ mới thấy những câu chuyện tưởng như “cổ tích” ấy lại là có thật.
Nhận thức sâu sắc lời căn dặn của Bác Hồ về chính sách đoàn kết dân tộc: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”, Binh đoàn 15 đã chọn điểm xuất phát và điểm tựa vững chắc cho mô hình gắn kết hộ là tình cảm thương yêu nhau thực sự, tôn trọng, bình đẳng, giúp đỡ nhau xây dựng mối quan hệ tình cảm anh em lâu dài, đời nọ sang đời kia... Giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số giờ đây không chỉ là những người cùng công ty, cùng thôn buôn mà họ đã trở thành anh em trong nhà, “sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau và no đói giúp nhau”... Đó là sức mạnh vô địch để bảo vệ và phát triển biên cương giàu mạnh, là vũ khí sắc bén chống lại sự chia rẽ của các thế lực thù địch.
Các cặp hộ trước khi chính thức gắn kết đã có quá trình tìm hiểu hoàn cảnh của nhau, khi thấy hợp nhau, thương yêu nhau thì mới làm Lễ gắn kết. Lễ do các đội sản xuất tổ chức trang trọng, mang ý nghĩa giáo dục cao, gắn được trách nhiệm, tình cảm giữa các cặp hộ, trên cơ sở phong tục tập quán địa phương, có “Giấy chứng nhận gắn kết hộ” do đơn vị và địa phương xác nhận.
Cặp hộ Lê Văn Thình và Pui Mel là một trong những cặp hộ đầu tiên của Công ty 715 tổ chức gắn kết hộ (năm 2007). Thình kể với tôi, quê vợ chồng anh ở xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, vào làm công nhân Công ty 715 từ năm 1996. Sau vài năm anh được Công ty tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Công đoàn, còn Pui Mel thì làm Trưởng thôn Ó, xã Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Hai anh em tuy nhà cách nhau hơn 2km, nhưng “tâm đầu ý hợp” có chuyện gì cũng giãi bày, tâm sự với nhau, khi thì chuyện làng, chuyện công ty, khi thì chuyện riêng trong nhà. Rồi hai gia đình đi lại với nhau, giúp đỡ nhau… Khi Binh đoàn phát động gắn kết hộ, Thình nghĩ ngay đến gia đình Pui Mel. Hai gia đình bàn bạc, rồi đề nghị với công ty xin được làm Lễ gắn kết hộ. Trước khi chưa gắn kết hai nhà đã thân thiết, nay càng thân thiết hơn. Vợ chồng Thình ít tuổi hơn là em, Pui Mel là anh.
 |
Già làng Iang Tung, xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai buộc chỉ cổ tay theo phong tục truyền thống địa phương cho các cặp hộ gắn kết của Công ty 72, Binh đoàn 15. Ảnh: Quang Hồi
|
Pui Mel khoe với tôi:
- Vợ chồng Thình thương vợ chồng mình lắm, bày cho cách làm ăn, gửi hộ mình hơn 200 triệu đồng tiền tiết kiệm. Năm ngoái mình làm nhà nó mang đến 250 triệu đồng, bảo 50 triệu đồng là ngân hàng trả lãi. Nó lại còn tặng thêm vợ chồng mình 10 triệu đồng nữa. Ba đứa con mình vào làm công nhân trong công ty là cũng do vợ chồng nó đề xuất đấy.
Còn Bùi Đình Lý (xã Tân Hương, Đức Thọ, Hà Tĩnh) thì kể lại câu chuyện gặp lần đầu Rơ Chơm Đih (xã Ia Khai, huyện Ia Grai, Gia Lai) năm 2005, khi Lý đang đi xe máy bị hỏng, đơn vị ở xa, trời lại tối. Đang loay hoay với chiếc xe hỏng thì thấy một người thanh niên chạy ra (Đih) kéo về nhà sửa giúp. Lý trả tiền công nhưng Đih dứt khoát không lấy. Cảm phục lòng tốt và tính khẳng khái, Lý thường xuyên qua lại nhà Đih, bày cho Đih kỹ thuật trồng cây cao su, cách thức quy hoạch lại vườn cây gia đình, khuyên Đih xin vào cùng làm công nhân trong công ty. Hai người lấy vợ, rồi hai gia đình gắn kết với nhau.
Hôm ở phòng họp Công ty 715 Đih và Lý ngồi ở hàng ghế bên này, chúng tôi thấy hàng ghế bên kia hai người phụ nữ còn khá trẻ “bám” nhau như đôi bạn thân. Hiểu ý, Thượng úy QNCN Lê Ngọc Sơn, Trợ lý Dân vận Công ty 715, ghé vào tôi nói nhỏ: “Đó là Nguyễn Thị Yến vợ Bùi Đình Lý và Rơ Lan Pyich vợ Rơ Chơm Đih đấy”.
Chúng tôi hỏi chuyện, Pyich kể, cô được công ty cử đi học Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo, ra trường về làm giáo viên của Nhà trẻ Công ty. Lớp của Pyich có 25 em, phần đông là con em đồng bào địa phương. Đêm nào Pyich cũng dậy từ 2 giờ sáng để đón các cháu đến trường. Những hôm nhà có việc thì nhờ vợ chồng Yến sang giúp…
- Dậy từ 2 giờ sáng nhận trẻ? Một đồng nghiệp của chúng tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Vâng - Yến nhanh nhảu đỡ lời. Cây cao su ra mủ nhiều vào khoảng từ 3 đến 5 giờ sáng, nên công nhân phải gửi con, đi làm rất sớm.
Ở Binh đoàn 15 bây giờ không phân biệt người Kinh hay người đồng bào dân tộc thiểu số, tất cả đều dậy từ nửa đêm đi cạo mủ cao su.
Trước khi trở thành công nhân của công ty, đồng bào dân tộc thiểu số quen ngủ sớm, dậy muộn, sáng thường 9, 10 giờ mới lên nương, lên rẫy, chiều 2, 3 giờ đã về.
Tôi rất thấm thía câu nói của đồng chí Phạm Đình Thu, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai: “Mô hình “gắn kết hộ” của Binh đoàn 15 đã bổ sung cho công tác dân vận của Đảng nhiều kinh nghiệm quý, nhất là về hình thức vận động đồng bào dân tộc thiểu số; về chính sách dân tộc”.
Phúc Nguyên, Huy Thiêm và Đặng Trung Hội
Bài 3: Bắt đầu từ “No đói giúp nhau”