Giang Tô, xứ sở nhiều người muốn đến, chưa hẳn vì nơi đây có tới hai hồ xếp hàng lớn nhất thế giới, được mệnh danh “Venice của viễn Đông”. Đất này hấp dẫn chúng tôi, bởi nơi đây, vùng đất của các kỳ nhân. Về chính trị, quân sự “xứ Tô” có Tôn Vũ, Ngũ Tử Tư, Lưu Bang, Hạng Vũ, Hàn Tín…; văn học có Thi Nại Am, Ngô Thừa Ân, Tào Tuyết Cần, Phùng Mộng Long…; nghệ thuật, thư họa có Trương Húc, Mễ Phủ, Trịnh Bản Kiều, Từ Bi Hồng… Thời cận hiện đại, Giang Tô cũng xuất hiện nhiều các nhân vật tên tuổi như nhà khoa học Hoa La Canh, Châu Bồi Nguyên… Các nhà cách mạng vô sản tiền bối như Trương Thái Lôi, Cù Thu Bạch cũng người xứ Tô. Từng đọc sách, xem tranh, thấu cái tài, cái chí của các ông, nay lại được vãn cảnh nơi sinh thành của họ… điều gì có thể khiến ta cưỡng lại, khi có cơ hội tới đất này?
Giang Tô có lịch sử lâu đời, với nền kinh tế-văn hoá phát triển. Đây là khu vực tập trung nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, với tiềm năng du lịch phong phú như: Nam Kinh có thế rồng cuộn hổ ngồi; Tô Châu được mệnh danh là Thiên đàng; Dương Châu được coi là Kinh đô nổi tiếng của tả ngạn sông Hoài. Trong khi đó, Trấn Giang, Hoài An, Từ Châu, Thường Thục... đều là những thành phố nổi tiếng về lịch sử văn hóa của Trung Quốc. Giang Tô là tỉnh có số thành phố nổi tiếng về lịch sử văn hóa nhiều nhất cả nước, chiếm 1/10 tổng số thành phố nổi tiếng về lịch sử văn hóa của Trung Quốc. Di tích văn hóa ở đây rất phong phú, tiêu biểu là Thành phố đá của Nam Kinh; lăng Minh Hiếu, lăng Tôn Trung Sơn…
Được theo chuyến công tác của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Giang Tô trong buổi sáng Xuân Hạ, chúng tôi quan sát dọc đường về khách sạn, thấy một Giang Tô cổ kính, một Giang Tô hiện đại; bằng chứng là dọc đường về khách sạn, thấy thủ phủ Nam Kinh đang chọc lên trời cao bằng hàng trăm cao ốc, với hệ thống đường giao thông nhiều tầng, những đường phố rộng rãi, những đường hầm giao thông, có cái dài mấy cây số… Hai bên đường cây phong vừa thay lá, mọc nối nhau từng dãy dài không dứt.
 |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến ký kết các thoả thuận Việt Nam – Giang Tô.
|
Những con số hấp dẫn: năm 2009, GDP của Giang Tô tăng tới 12,4%, đạt 500 tỉ USD, đứng thứ hai toàn quốc chỉ sau Quảng Đông.
“Xứ Tô” xưa có nhiều "nhân kiệt”, nay cũng lắm người tài. Trình độ giáo dục khoa học của tỉnh được xếp hàng đầu Trung Quốc' Giang Tô có 88 viện sĩ trong Viện Hàn lâm công trình và Viện hàn lâm khoa học của Trung Quốc. Lực lượng khoa học đứng thứ 3, chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Hẳn vì thế nên số lượng bằng phát minh, sáng chế của Giang Tô luôn đứng đầu Trung Quốc. Giá trị công nghiệp công nghệ cao thu về chiếm 30% tổng giá trị công nghiệp trên địa bàn. Giang Tô có 125 khu công nghiệp, trong đó có 13 khu chế xuất; ngành trụ cột là ô tô, chế tạo máy, thiết bị điện tử, hóa dầu…
Giang Tô nổi tiếng là quê hương của lúa gạo, cá tôm. Năm 2007, GDP toàn tỉnh đạt 358 tỉ USD, tăng gấp đôi so với năm 2002, với tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14,5%; GDP bình quân đầu người đạt 4.428 USD/năm. Xứ sở lắm lúa gạo, nhiều tôm cá này giờ đây cũng là nơi có nhiều ngành công nghiệp hàm lượng công nghệ cao như thực phẩm chức năng, công nghệ na-nô, kỹ thuật số, vi mạch…
Giang Tô cũng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện mở cửa với bên ngoài, có quan hệ hợp tác, hữu nghị với 194 tỉnh thành thuộc 42 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Các nước ASEAN có 4500 dự án đầu tư tại Giang Tô, vốn đăng ký trên 28 tỉ USD. Với Việt Nam, năm 2009, Tổng kim ngạch thương mại Việt Nam-Giang Tô đạt 2,21 tỉ USD, giảm chút ít so với năm 2008. Việt Nam nhập khẩu từ Giang Tô hàng dệt may, sắt thép, thiết bị xử lý số tự động và linh kiện. Tỉnh Đồng Nai của Việt Nam có quan hệ hữu nghị với Giang Tô từ năm 1995.
Với tinh thần 16 chữ vàng “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “Láng giềng tốt, đồng chí tốt, bạn bè tốt, đối tác tốt”, những năm qua mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Thủ tướng đã nhấn mạnh điều này trong buổi tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Trung Quốc… tại Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô.
Giờ đây, Trung Quốc hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch buôn bán hai chiều Việt Nam-Trung Quốc tăng từ 4,3 tỉ USD năm 2003 lên hơn 20 tỉ năm 2008, phấn đấu năm 2010 đạt 25 tỉ USD. Trong lĩnh vực đầu tư, với số vốn đăng ký đạt gần 2,2 tỉ USD, vốn đã thực hiện đạt 207 triệu USD, Trung Quốc hiện đứng thứ 16 trong 84 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam…
Theo lời Chủ tịch tỉnh Giang Tô La Chí Quân, trong những năm qua, thương mại đầu tư của Giang Tô vào Việt Nam thực sự đã phát triển cả chiều sâu lẫn chiều rộng và không gian phát triển còn rộng lớn. Có thể tự hào rằng, Giang Tô có dân số chỉ chiếm 6% cả nước, nhưng kinh tế chiếm tỉ trọng tới 10% toàn Trung Quốc. Giang Tô coi trọng việc phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, cùng có lợi với Việt Nam, nhất là trên những lĩnh vực hợp tác thế mạnh về phát triển hạ tầng, chế tạo máy, thiết bị điện tử, hóa dầu, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch…
Tại diễn đàn này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vui mừng cho biết, với sự đóng góp tích cực của các doanh nghiệp tỉnh Giang Tô, thương mại Việt Nam-Giang Tô trong 4 năm qua tăng nhanh, bình quân gần 30%/năm. Tại đây Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký kết bản ghi nhớ về hợp tác du lịch giữa Tổng cục du lịch Việt Nam và Cục du lịch tỉnh Giang Tô; Bản ghi nhớ về thiết lập cơ chế hợp tác trao đổi cung cấp thông tin định kỳ giữa Vụ thị trường Châu Á,Thái Bình Dương (Bộ Công thương Việt Nam) và Sở thương mại tỉnh Giang Tô; Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam với Ủy ban xúc tiến thương mại quốc tế Giang Tô. Cũng trong dịp này, UBND Tỉnh Đồng Nai cùng chính quyền nhân dân tỉnh Giang Tô cũng ký thỏa thuận về tăng cường giao lưu, hợp tác.
Một ngày nắng đẹp trong chuyến thăm Giang Tô, tại thủ phủ Nam Kinh, Thủ tướng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao của Chính phủ Việt Nam đã tới thăm lăng Tôn Trung Sơn. Bước lên hàng trăm bậc đá, từ đây có thể nhìn thấy toàn cảnh cố đô của Trung Quốc đang đổi thay mạnh mẽ.
Bài và ảnh: Trần Danh Bảng