Qua thảo luận, những biện pháp nhằm tránh thất thu thuế, hay xử lý xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa... là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.
Nhấn mạnh thuế là lĩnh vực quan trọng, góp phần thu ngân sách quốc gia, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đánh giá, thời gian qua, ngành thuế đã có nhiều cố gắng khắc phục song cũng gặp phải nhiều sức ép, thậm chí là xung đột với các doanh nghiệp: Doanh nghiệp tìm cách để trốn thuế; cán bộ thuế tìm cách để thu thuế. Do đó, theo đại biểu, việc sửa luật lần này cần lưu ý đến vấn đề chuyển giá, để luật quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng doanh nghiệp nhà nước, nước ngoài luôn mở rộng doanh nghiệp nhưng thuế thì không thu được.
Cùng với đó, theo đại biểu tỉnh Quảng Bình là làm thế nào để triển khai hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy. Thực tế hiện nay đang có tình trạng, tiêu thụ tiền của nhà nước thì lấy hóa đơn, tiêu thụ cá nhân thì không lấy hóa đơn. Bên cạnh đó, thuế giá trị gia tăng là nguồn thu lớn song ở nước ta lại thất thu lớn. Tại Canada, việc quản lý rất chặt chẽ, người nước ngoài khi đến mua hàng hóa ở đó thì phải nộp thêm mức 20%. Trong khi, ở nước ta, người dân và người nước ngoài khi mua hàng không lấy hóa đơn, tức là mất 20%...- gây thất thu rất lớn.
“Đến Hàn Quốc, tôi thấy tất cả chi tiêu của đoàn đi đều phải trả bằng thẻ, không trả bằng tiền mặt. Tôi hỏi tại sao lại như thế? Người ta nói trả tiền bằng thẻ là cách quản lý chặt chẽ nhất, khách du lịch đến họ biết đi bao nhiêu, thuế phải nộp bao nhiêu”, đại biểu dẫn chứng và đề nghị trong thời đại công nghiệp phát triển như hiện nay mà không sử dụng công nghệ điện tử thì chúng ta sẽ thất thu lớn, đề nghị Quốc hội lưu ý vấn đề này.
 |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Quốc hội.
|
Điều 60 của dự thảo luật về xử lý xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa cũng là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Võ Đình Tín (Đắc Nông) quan tâm về xử lý xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa tại điều 60 dự thảo luật. Theo đó, khoản 3 điều 60 quy định việc không trả lại số tiền thuế nộp thừa cho người nộp thuế trong một số trường hợp và giao cho Bộ Tài chính quy định thủ tục xử lý số tiền này. Theo đại biểu, quy định này chưa phù hợp. Bởi lẽ, quy định như vậy là chưa rõ không trả lại cho chủ sở hữu thì số tiền này thuộc sở hữu của ai, Nhà nước hay cá nhân nào. Đại biểu đề nghị chỉnh lý lại nội dung này cho rõ ràng là thuộc sở hữu của Nhà nước.
Ngoài ra, điểm a khoản 3 điều 60 cũng quy định: Không trả lại tiền nộp thừa cho người nộp thuế nếu không có văn bản yêu cầu trả lại trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế ban hành thông báo. Đại biểu cho rằng, việc tước quyền sở hữu đối với tài sản trong trường hợp này là không có cơ sở pháp lý, không thống nhất với các quy định về sở hữu của Bộ luật Dân sự, không phù hợp với thực tiễn và cả đạo lý. “Người nộp thuế chỉ không kịp yêu cầu trả lại tài sản của mình do người khác chiếm giữ trong 30 ngày mà mất đi quyền sở hữu, chưa kể đến trường hợp vì lý do nào đó mà người nộp thuế không nhận được thông báo của cơ quan thuế, không thông báo bị thất lạc hoặc người nộp thuế chết, mất tích nên không yêu cầu trả lại tài sản của mình trong 30 ngày...", đại biểu phân tích và đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) quan tâm đến nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ tại Điều 15 điểm b khoản 2 quy định điều tra tội phạm thuế và xử lý tội phạm theo quy định của Luật Tố tụng hình sự với các hồ sơ cơ quan quản lý thuế phát hiện hành vi trốn thuế chuyển sang. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa khái quát và đầy đủ. Thực tế, các vụ việc cơ quan thuế phát hiện và chuyển sang cho cơ quan công an không chỉ là trốn thuế mà còn là các vụ mua bán trái phép hóa đơn, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong hoàn thuế giá trị gia tăng. Nếu chỉ quy định như dự thảo thì việc trốn thuế bị cơ quản lý thuế phát hiện chuyển sang cho cơ quan công an mới được xử lý, còn các loại vi phạm khác có liên quan đến lĩnh vực thuế có được điều tra không. Do vậy, đại biểu đề nghị sửa lại là điều tra tội phạm thuế và xử lý theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự đối với các hồ sơ cơ quan quản lý thuế phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế chuyển sang.
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát để bảo đảm phù hợp hệ thống pháp luật có liên quan, bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho người nộp thuế, bảo đảm tăng cường quản lý chống thất thu, trốn thuế, chuyển giá và bảo đảm quản lý được các phương thức kinh doanh mới như hiện nay, đồng thời cũng tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
THẢO NGUYÊN