Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Phạm Quang Hiệu chủ trì phiên họp với sự tham dự của Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình công tác NVNONN và công tác bảo hộ công dân kể từ Hội nghị Ngoại giao 30 đến nay (giai đoạn 2018-2021), xác định những thành tựu đạt được cũng như những vướng mắc, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai, từ đó đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thích ứng trong tình hình mới.
 |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đồng chủ trì phiên họp. Ảnh: TIÊU NGUYỄN |
Hội nghị tập trung thảo luận những hạn chế cần khắc phục; những khó khăn, thách thức trong tình hình mới đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài và công tác bảo hộ công dân trước bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, an ninh thế giới, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp tác động trực tiếp đến công tác này. Thời gian tới, dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu được kiểm soát đặt ra nhiều khó khăn cho công dân Việt Nam ở nước ngoài trong việc đi lại giữa các nước hoặc về Việt Nam bằng đường hàng không và đường bộ.
Tại Hội nghị, các đồng chí Trưởng cơ quan đại diện đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn đặc thù của sở tại trong xử lý công tác này ở ngoài nước và có những đề xuất, giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác này thời gian tới.
 |
Quang cảnh phiên họp trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: TIÊU NGUYỄN |
Phiên họp đã thống nhất đề ra các phương hướng, cần được triển khai tích cực trong thời gian tới, bao gồm: Xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao về công tác NVNONN giai đoạn 2021-2026; tiếp tục rà soát, kiến nghị ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến NVNONN; tăng cường đại đoàn kết dân tộc, đổi mới, đa dạng hoá các hình thức, linh hoạt trong biện pháp triển khai vận động NVNONN; sớm hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ NVNONN có địa vị pháp lý vững chắc, hội nhập xã hội sở tại, tăng cường các biện pháp tổng thể, lâu dài nhằm hỗ trợ NVNONN, đặc biệt ở những địa bàn khó khăn; đẩy mạnh việc hỗ trợ NVNONN giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc; giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng; đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin, trong đó chú trọng phát triển nội dung trên nền tảng số; tăng cường hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhằm kịp thời phản bác hiệu quả những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các lực lượng thù địch; tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp, kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn lực làm công tác về NVNONN.
Bên cạnh đó, công tác bảo hộ công dân cũng được đánh giá hết sức nổi bật trong triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp để thích ứng tình hình mới.
PHƯƠNG LINH