Buổi chiều, các đại biểu nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Kiến trúc của UBTVQH và thảo luận về dự án luật này.
Đề nghị quy định cụ thể quy trình biên soạn, lựa chọn sách giáo khoa
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại hai kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6), sau đó được Chính phủ lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của nhân dân và UBTVQH lấy ý kiến nhà khoa học và đại biểu Quốc hội chuyên trách. Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần này gồm 10 chương, 119 điều.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, vẫn có ý kiến đề nghị quy định cụ thể về chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT); đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ SGK dùng chung cho cả nước.
Về quy định chương trình, SGK GDPT, UBTVQH cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, SGK GDPT trong dự thảo luật đã cụ thể hóa tinh thần các nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK. Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố chương trình GDPT thống nhất trong cả nước và đang soạn thảo ban hành bộ SGK theo chương trình này, sẽ hoàn thành sau năm 2022. Vì vậy, UBTVQH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong dự thảo luật.
Tại phần thảo luận, vấn đề chương trình GDPT, SGK, Kỳ thi tốt nghiệp THPT, nâng cao trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, hệ thống giáo dục liên thông… là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu.
Đề cập tới vấn đề biên soạn SGK, băn khoăn với quy định Hội đồng quốc gia thẩm định SGK là tổ chức do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập nhưng đồng thời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng là người phê duyệt SGK để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông sau khi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK thông qua, đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đề nghị, Chính phủ phải thực hiện một trong hai nhiệm vụ này, để bảo đảm chất lượng SGK và khách quan trong biên soạn SGK. Còn đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) góp ý, dự thảo luật quy định việc xuất bản SGK theo quy định của pháp luật; UBND tỉnh được lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong các cơ sở GDPT trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, nhưng quy định gì thì không rõ. “Đây là hạn chế có thể dẫn đến loạn SGK, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo. Bên cạnh đó, quy định UBND cấp tỉnh chủ động biên soạn tài liệu của địa phương còn chung chung, đây là loại tài liệu gì, có giá trị như SGK không. Đề nghị quy định cụ thể tiêu chí quy trình biên soạn, việc lựa chọn SGK”, đại biểu Nguyễn Tạo lưu ý.
Nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên
Giáo dục trong lứa tuổi mầm non, tiểu học là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, vì vậy, đa số các đại biểu nhất trí với dự thảo luật quy định giáo viên mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm trở lên. Nhấn mạnh tính cần thiết của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, tuy nhiên đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định), đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng), đại biểu Âu Thị Mai (đoàn Tuyên Quang) đề nghị cần cân nhắc lộ trình, tính khả thi, bởi hiện nay áp lực thiếu giáo viên mầm non, tiểu học vẫn còn, đặc biệt với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó, cần có lộ trình tạo điều kiện để giáo viên hoàn thiện nâng cao trình độ, tránh tình trạng chạy theo bằng cấp.
Liên quan tới các ý kiến về nâng trình độ chuẩn được đào tạo giáo viên, ông Phan Thanh Bình cũng cho biết, để bảo đảm tính khả thi, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên để không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến công tác tổ chức và hoạt động của các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp.
Cần lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để bảo tồn
Chiều cùng ngày, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc, trong phần thảo luận nội dung được các đại biểu đặc biệt quan tâm là vấn đề xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; chứng chỉ hành nghề kiến trúc; việc thành lập hội đồng tư vấn về kiến trúc; bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa.
Nêu ra hiện trạng hiện nay kiến trúc đô thị có sự hỗn loạn, còn kiến trúc nông thôn đang bị biến dạng, đại biểu Ngô Trung Thành (đoàn Đắc Lắc) bày tỏ, rất mừng là dự thảo luật có nêu quy định xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam phù hợp với từng giai đoạn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện để khắc phục tình trạng này. Nhưng cần làm rõ đơn vị nào xây dựng lập định hướng này; trình tự lập, thủ tục phê duyệt ra sao.
Nêu tính cần thiết phải bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử, văn hóa, một số đại biểu cho rằng, hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử-văn hóa. Vì thế, không ít công trình này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ. Để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo luật đã bổ sung quy định về lập danh mục, xin ý kiến về danh mục công trình kiến trúc có giá trị và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá, phân cấp, phân loại công trình kiến trúc có giá trị; trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị tại Điều 13, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, không chồng chéo với quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan...
Hôm nay (22-5), Quốc hội tiếp tục làm việc.
VŨ DUNG