 |
Thầy thuốc Trạm xá quân dân y kết hợp A Xan phát thuốc chữa bệnh kết hợp tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh cho bà con đồng bào ở địa phương. |
Gần một năm nay, Trạm xá quân dân y kết hợp A Xan trở thành địa chỉ tin cậy của bà con các dân tộc ở huyện biên giới Tây Giang. Để xây dựng được lòng tin đối với đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, cán bộ, y sĩ, bác sĩ của trạm xá đã vượt qua rất nhiều khó khăn, mà khó khăn lớn nhất chính là từ nhận thức của người dân địa phương. Do trình độ dân trí còn hạn chế; mạng lưới y tế thôn bản và khả năng tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của người dân còn rất hạn chế, nên khi phát bệnh bà con thường để kéo dài mới đến trạm xá để khám và điều trị. Do vậy, hầu như ca bệnh các thầy thuốc của trạm xá đều phải điều trị rất vất vả và dài ngày mới khỏi.
Trung úy Đặng Thanh Chương, bác sĩ phụ trách trạm xá thì bộc bạch:
- Không chỉ đến điều trị muộn, mà bà con nơi đây uống thuốc không theo chỉ dẫn của y sĩ, bác sĩ. Lúc nào bà con thích thì uống, không lại thôi… Vì thế chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc chữa trị.
Để giải quyết những khó khăn trên, trạm xá chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai tổ chức các đợt tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức và cách phòng, chống dịch bệnh cho người dân địa phương. Đây là cách mà theo đội ngũ cán bộ, y sĩ, bác sĩ Đồn Biên phòng 649 là nhằm phòng ngừa dịch bệnh từ xa. Đồng thời, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 649, còn vận động bà con không cúng ma, khấn giàng mỗi khi đau ốm và xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu có hại đến sức khỏe. Nhờ vậy, sau gần một năm chính thức đi vào hoạt động, trạm xá quân dân y kết hợp A Xan đã góp phần quan trọng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân các xã của huyện Tây Giang và nước bạn Lào.
Những ngày công tác tại xã A Xan, tôi may mắn được nghe nhiều câu chuyện về đội ngũ thầy thuốc của trạm xá đã tận tình cứu chữa cho bà con, để lại trong lòng người dân những tình cảm tốt đẹp. Bác sĩ Chương nhớ lại:
- Cách đây chưa lâu, ông Pơ loong Zơra, 60 tuổi, ở thôn Ggíih, xã A Xan bị ngộ độc thức ăn. Sau hơn một ngày nằm nhà, tới lúc tình trạng sức khỏe của ông Pơ loong Zơra hết sức nguy cấp, gia đình mới chuyển xuống trạm. Sau 3 giờ điều trị tích cực, ông Pơ loong Zơra mới tỉnh lại. Hôm xuất viện, gia đình, bà con mừng vô kể.
Quê hương đất Quảng đang đổi thay từng ngày nhưng đời sống của người dân vùng cao vẫn còn không ít khó khăn, thiếu thốn, bởi vậy, hành trình chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới Tây Giang chắc chắn sẽ còn dài và không ít gian nan, vất vả. Nhưng tôi tin, với y đức của người thầy thuốc, với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cùng sức mạnh “quân với dân một ý chí” nhất định họ sẽ vượt qua, góp phần quan trọng giữa vững an ninh chủ quyền biên giới, củng cố vững chắc thế trận vùng biên.
Bài và ảnh: THANH TƯỜNG