Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì; Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận.
Những kết quả đáng mừng
Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả đáng mừng mà nước ta đã đạt được trong năm 2019. Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang (đoàn Quảng Ngãi), năm 2019, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ diễn biến phức tạp, xung đột của khu vực và thế giới, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu giảm cộng với những tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh, nhưng với sự đóng góp của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, với sự quyết liệt chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế đất nước tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, là năm thứ hai có tốc độ tăng trưởng khá (tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP ước đạt hơn 6,8%), đạt tương đối đồng bộ các mục tiêu tổng quát đã được Quốc hội đề ra. Đây là những kết quả đáng mừng, quan trọng, góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020, tạo tiền đề vững mạnh cho kỳ phát triển mới.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) đánh giá: Nước ta đang hướng tới một năm thành công. Cả 12 chỉ tiêu về KT-XH đều được dự báo sẽ hoàn thành. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, hơn 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, đầu tư xã hội được mở rộng và chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Năm 2019 là năm đầu tiên động lực tăng trưởng đã đến từ khu vực chế biến, chế tạo. Tỷ trọng xuất khẩu và đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) trong nước cũng tăng lên. Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN và nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất ở châu Á. Đó là thành quả rất quan trọng và không dễ dàng.
Cần làm rõ lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhắc tới nhiều khó khăn và hạn chế trong phát triển KT-XH đất nước. Trong khu vực KTTN, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) đặt vấn đề: Thời gian qua, nước ta có một số chính sách hỗ trợ KTTN phát triển, nhưng phần lớn các doanh nghiệp tư nhân không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi theo quy định. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của KTTN, cần có sự đột phá về cơ chế, chính sách nhằm xóa bỏ rào cản phát triển doanh nghiệp tư nhân; coi doanh nghiệp tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, tạo sân chơi cạnh tranh, bảo đảm sự bình đẳng, tiếp cận nguồn tài nguyên, thể chế, chính sách, nguồn tín dụng của doanh nghiệp tư nhân.
Về vấn đề chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu câu hỏi: “Năm nào điệp khúc hạn chế này cũng được nhắc lại trong các báo cáo, nhưng việc khắc phục chậm có chăng là ở lý do thắt chặt thủ tục đầu tư; do công khai, minh bạch; do kết quả chống tham nhũng thời gian gần đây đạt kết quả tốt; làm mất động lực của các chủ đầu tư hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia hay còn vì lý do gì khác? Điều này cần được Chính phủ làm rõ, không để có dư luận không hay, không tốt trong đầu tư công”.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, rào cản lớn nhất là sự ngăn cách thông tin giữa người sản xuất và thị trường. Cùng với đó là rào cản về tích tụ và tập trung ruộng đất; tư duy kinh tế nhỏ lẻ, chưa chuyển được tư duy kinh tế tỉnh sang tư duy kinh tế vùng.
Vui mừng với thành quả kinh tế đất nước thuộc nhóm có tốc độ phát triển cao nhất thế giới, nhưng đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cũng góp một góc nhìn khác: Xét về số tuyệt đối thì GDP của Việt Nam ngày một cách xa so với thế giới. Cụ thể, đại biểu nêu số liệu, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cách đây hơn 30 năm là 100USD, thế giới là hơn 4.000USD; năm 2017, Việt Nam là 2.385USD, thế giới là 10.700USD; năm 2018, Việt Nam là 2.590USD thì thế giới là 11.000USD. Như vậy, cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900USD, đến năm 2017 là 8.300USD, năm 2018 là 8.400USD, khoảng cách hơn gấp hai lần và liên tục kéo xa hơn. Từ đó, đại biểu cho rằng, cần có mũi nhọn đột phá trọng tâm để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu.
Thách thức từ hạ tầng giao thông
Giải trình về ý kiến của một số đại biểu cho rằng, giao thông kết nối vùng còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu thống kê, cả nước hiện có 24.500km quốc lộ và gần 2.000km đường khác, 22 sân bay, 3.200km đường sắt đi qua nhiều tỉnh… Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, so với yêu cầu thì giao thông kết nối liên vùng vẫn còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các dự án xây dựng các tuyến đường liên kết dọc, liên kết ngang trên cả nước.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trong phần giải trình đã điểm lại những thành tựu KT-XH nổi bật của đất nước, đồng thời nêu quan điểm: “Hệ thống pháp luật dẫu còn vấn đề này hay vấn đề khác nhưng cũng đã có đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào bức tranh KT-XH, mặc dù đóng góp đó có thể thầm lặng hơn, khó lượng hóa hơn và khi có được kết quả thì có thể dễ bị lẫn ở trong các lĩnh vực khác”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật như ý kiến của các đại biểu. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã ý thức được vấn đề này và ban hành rất nhiều biện pháp. Những việc cần làm ngay là sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường; đồng thời kiên quyết ban hành kịp thời các nghị định bị chậm. “Chúng ta cố gắng để có được một hệ thống văn bản pháp luật có chất lượng hơn, dễ tiếp thu, dễ tiếp cận hơn, đồng thời giảm chi phí tuân thủ”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói.
Giữ vững môi trường hòa bình để phát triển
Trung tướng Trần Việt Khoa (đoàn Hà Nội) phân tích, năm 2019, tình hình an ninh chính trị thế giới có rất nhiều biến động. Đặc biệt, các nước lớn đã điều chỉnh về chính sách và chiến lược quốc phòng, quân sự, tăng chi cho quốc phòng và tăng cường luyện tập, diễn tập thực binh quy mô vừa và quy mô lớn. Tình hình khu vực Biển Đông có nhiều diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn ở khu vực có tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới; đe dọa tới an ninh khu vực và an ninh các nước có chung khu vực Biển Đông. Đại biểu Trần Việt Khoa nhấn mạnh, dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại của dân tộc ta. Tình hình hiện nay đòi hỏi nước ta phải có giải pháp phù hợp để đấu tranh, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, độc lập để phát triển đất nước. “Nước ta từng phải trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, chúng ta thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và sự mất mát của mỗi gia đình và dòng họ, việc bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tuy nhiên, chúng ta cũng luôn phải cảnh giác, tỉnh táo và sẵn sàng các phương án cao nhất với các tình huống có thể xảy ra, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, vì độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta phải sẵn sàng bảo vệ và đẩy lùi các nguy cơ chiến tranh để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”, đại biểu nói.
Cũng nhắc tới diễn biến phức tạp trên Biển Đông gần đây, đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương không khoan nhượng những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
CHIẾN THẮNG