Phát biểu đề dẫn tọa đàm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đánh giá: Trong thời gian qua, Tổ biên tập, Tiểu ban Văn kiện và Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế-xã hội đã nỗ lực để dự thảo các văn kiện rất quan trọng trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đó là: Báo cáo chính trị; Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Đây là các văn kiện có liên quan chặt chẽ với nhau, như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Báo cáo Chính trị là văn kiện trung tâm của Đại hội. Trong Báo cáo chính trị có nội dung tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011, đặt trong giai đoạn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991; có nội dung đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 cũng như kết quả thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ XII, giai đoạn 2016-2021. Đặc biệt, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã chỉ đạo: Văn kiện lần này phải phóng tầm nhìn ra dài hạn, tức là phải đặt ra mục tiêu và tầm nhìn phát triển Việt Nam đến giữa thế kỷ, tập trung vào hai dấu mốc quan trọng, đó là: năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
 |
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc tọa đàm. |
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Đại hội XIII chưa đặt ra vấn đề sửa đổi Cương lĩnh, song những tổng kết về mặt lý luận và thực tiễn, những đánh giá kết quả thực hiện nói trên là yếu tố hết sức quan trọng để triển khai thực hiện Cương lĩnh tốt hơn, hiệu quả hơn và nhất là phù hợp với thực tiễn đang thay đổi rất nhanh chóng, để đạt được mục tiêu cao nhất mà Cương lĩnh đã đề ra là xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Việc xác định các mục tiêu phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi là hết sức quan trọng, bởi đây là cơ sở để xác định chính xác những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân.
Theo Báo cáo đề dẫn tọa đàm, về vấn đề hệ trọng này, giữa Đề cương Báo cáo chính trị và Đề cương Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030 trình Hội nghị Trung ương 10 vừa qua vẫn còn khác nhau.
Đề cương Báo cáo chính trị của Tiểu ban Văn kiện xác định hai phương án:
Phương án 1: Phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045, với lộ trình theo 3 mức:
Đến năm 2025: Phát triển nhanh và bền vững; tốc độ tăng trưởng bình quân phải cao hơn giai đoạn 2016-2020, trở thành nước đang phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030: Trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao.
Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phương án 2: Phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với lộ trình theo 3 mức:
Đến năm 2025: Tạo nền tảng để trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đến năm 2030: Trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đến năm 2045: Trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đề cương Báo cáo Tổng kết thực hiện chiến lược 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030 của Tiểu ban Kinh tế-xã hội xác định 3 phương án mục tiêu:
Theo đó, phần đầu của ba phương án mục tiêu tuy có khác nhau, song phần tiếp sau của ba phương án cơ bản diễn đạt như nhau, đó là “đến năm 2030 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong phương án 1 và phương án 2, mục tiêu đến năm 2030 có thêm cụm từ “có thu nhập trung bình cao”, còn phương án 3 không có cụm từ này.
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, trong hai buổi thảo luận của hai lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho các cán bộ quy hoạch cấp chiến lược Đại hội lần thứ XIII vừa qua, các đồng chí học viên cũng thảo luận sôi nổi về vấn đề này. Một số đồng chí cho rằng, việc xác định mục tiêu phát triển của đất nước phải đặt trong bối cảnh của thế giới, nên lấy tiêu chí của thế giới mà cụ thể là tiêu chí về nước phát triển, trong đó phải coi mức thu nhập bình quân đầu người là tiêu chí quan trọng nhất.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: Không nên coi đề xuất mục tiêu như Phương án 1 nêu trong Đề cương Báo cáo chính trị là sửa đổi Cương lĩnh, bởi con đường và mục tiêu cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh không thay đổi. Thực tế, chúng ta cũng đã hai lần sửa đổi mục tiêu, đó là từ “cơ bản trở thành nước công nghiệp” thành “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” và “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
“Một số nghị quyết gần đây như: Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nêu ra tầm nhìn đến năm 2045 là: Nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Song đây là những nghị quyết về những vấn đề cụ thể và tầm nhìn liên quan đến những vấn đề cụ thể này, chưa đặt trong viễn cảnh phát triển chung và rộng lớn của đất nước. Vì vậy, đây chính là vấn đề thảo luận tại buổi tọa đàm, từ đó có thêm thống nhất trong việc xác định mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Tin, ảnh: MINH MẠNH