Dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI); các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển; lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Trong hoạt động đối ngoại của Bộ Ngoại giao, các đơn vị ở trong nước và 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài lấy đối tượng phục vụ chính là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
 |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ phát biểu tại tọa đàm |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, Việt Nam đang ở trong giai đoạn hết sức đặc biệt. Thế giới đang chuyển dịch, đất nước đang chuyển mình và doanh nghiệp đang thích ứng. “Chúng ta đang chứng kiến sự biến đổi căn bản, sâu sắc cả về địa chiến lược và địa kinh tế; đặc biệt là những tác động đa chiều của đại dịch Covid-19. Đó không chỉ là vấn đề giãn cách xã hội, đứt gãy các chuỗi cung ứng mà còn là sự chuyển dịch xu hướng trước đại dịch đang được đẩy nhanh như chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững hơn. Cùng với đó là sự chuyển dịch của hàng hóa, dịch vụ, quy trình sản xuất, tiêu dùng cũng theo hướng xanh, bền vững hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ chia sẻ.
Chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang phải chịu tác động nặng nề của đại dịch thời gian qua, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ tin tưởng thông qua tọa đàm này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác thông tin tham mưu của các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về dự báo, cảnh báo các xu hướng; xúc tiến thương mại đầu tư, du lịch ra nước ngoài; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm ăn với các doanh nghiệp bên ngoài…
Ngay sau phiên khai mạc, Tọa đàm bước vào Phiên thảo luận chính thức dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cùng sự tham dự của một số đại sứ Việt Nam tại nước ngoài, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ về những cơ hội và xu hướng mới của các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19 trên nhiều lĩnh vực như: Thương mại đầu tư, sản xuất, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo…
 |
Quang cảnh tọa đàm. |
Doanh nghiệp Việt cần nắm bắt xu hướng để tiếp cận thị trường
Phát biểu tại tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho biết, Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến tháng 11 năm nay, kim ngạch thương mại hai chiều đã vượt trên 90 tỷ USD và cuối năm sẽ cán mốc 100 tỷ. Trong đó, Việt Nam xuất siêu và con số xuất siêu ngày càng tăng. Do đó, xuất khẩu sang Mỹ là một cơ hội lớn của doanh nghiệp Việt Nam, thị trường Mỹ cũng rất mở cửa. Tuy nhiên Đại sứ cho biết, các hàng rào kỹ thuật tại thị trường Mỹ cũng được dựng lên ngày càng nhiều, do đó, trong cơ hội luôn tồn tại những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú ý. Nhất là các mặt hàng tăng nhanh vào thị trường Mỹ sẽ dễ rơi vào “tầm ngắm”.
Bên cạnh đó, Đại sứ Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, thị trường Mỹ rất tiềm năng và có nhu cầu thu hút đầu tư. Các sự kiện thu hút đầu tư được thúc đẩy thường xuyên, hiện nay có 200 dự án đầu tư của Việt Nam vào Mỹ, trong đó có các doanh nghiệp mạnh như Vinfast, An Phát. Thời gian tới, theo Đại sứ Hà Kim Ngọc, hai lĩnh vực kinh tế mà Việt Nam có thể chú trọng hợp tác với Mỹ là kinh tế số và kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng rất chú trọng 2 lĩnh vực này.
 |
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc phát biểu tại tọa đàm. |
Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định, ít nhất trong vài thập niên tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, quan trọng của Việt Nam. Trung Quốc có ưu thế về vị trí địa lý với Việt Nam, có thị trường nội địa rộng lớn cùng sức mạnh kinh tế lớn. Vì thế, thị trường này rất tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, Đại sứ Phạm Sao Mai cũng chỉ ra 4 điểm yếu của doanh nghiệp Việt tại Trung Quốc. Đó là phần giá trị của Việt Nam trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc còn thấp; sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc không có hệ thống phân phối riêng và phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp sở tại; hàng hóa Việt Nam xuất sang Trung Quốc vẫn dựa nhiều vào tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc đang chuẩn bị thay đổi chính sách quản lý trong lĩnh vực này; đầu tư của Việt Nam vào Trung Quốc cũng còn khó khăn.
Tại tọa đàm, Đại sứ Việt Nam tại Anh Nguyễn Hoàng Long, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cũng chia sẻ những xu hướng mà các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt khi muốn xuất khẩu hàng hóa hay đầu tư ở các quốc gia này.
Cảm ơn những thông tin quý giá của các Đại sứ tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp của Việt Nam mong muốn các cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài tích cực hỗ trợ để đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào thị trường nước ngoài sâu rộng hơn.
Sau phiên tọa đàm tại hội trường là các phiên kết nối giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với doanh nghiệp, được phân theo từng khu vực như châu Mỹ, châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á-Nam Á-Nam Thái Bình Dương và Trung Đông-châu Phi.
Tin, ảnh: PHƯƠNG LINH