Sáng 19-7, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ viếng, truy điệu nhà thơ Tế Hanh. Hàng trăm đoàn khách cùng các văn nghệ sĩ, bạn bè thân thiết, người yêu thơ Tế Hanh đã đến tiễn biệt nhà thơ về nơi an nghỉ cuối cùng...
 |
Nhà thơ Tế Hanh |
Sáng 19-7, tại nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ viếng, truy điệu nhà thơ Tế Hanh. Hàng trăm đoàn khách cùng các văn nghệ sĩ, bạn bè thân thiết, người yêu thơ Tế Hanh đã đến tiễn biệt nhà thơ về nơi an nghỉ cuối cùng.
Trong điếu văn truy điệu, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khắc họa rõ nét về nhà thơ Tế Hanh: Tế Hanh giác ngộ rất sớm về tài năng và thiên chức. Ông nặng lòng với quê hương, cật ruột với mọi lớp người, coi đó là mảnh đất màu mỡ nhất để nuôi dưỡng tâm hồn. Với Tế Hanh, mọi bí quyết của thơ đều ở trong đời sống. Không ai có thể chọn thời để sinh ra nhưng người ta có thể chọn đường đi và cách sống. Tế Hanh đã chọn, duy nhất đúng, con đường riêng để đến với thơ, ngay từ lúc còn rất trẻ. Ông đã chọn con đường gian khổ nhất mà cũng là nhiều triển vọng nhất để đến với thơ ca chân chính. Ông tham gia Cách mạng Tháng Tám ở Huế, làm cán bộ giáo dục và văn hóa ở Đà Nẵng, rồi từ đó ra đi kháng chiến, là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở Nam Trung Bộ và Liên khu 5. Mọi thiếu thốn, gian khổ, bệnh tật không hề làm ông dao động sự lựa chọn đã được minh định dứt khoát. Vẫn một hồn thơ chân chất, tinh khôi, Tế Hanh bắt nhạy với cuộc sống mới, tình cảm quê hương rộng mở thành cảm hứng về nhân dân, đất nước, cái "nghẹn ngào" thuở trước được thay bằng khúc hát anh hùng và tự do. Bước phát triển mới này được ghi nhận bằng Giải thưởng Phạm Văn Đồng được trao cho ông vào năm 1950.
Ra đi ở tuổi cận kề 90, để lại cho đời hơn 20 tác phẩm thi ca nổi tiếng, Tế Hanh là cây đại thụ cuối cùng tỏa bóng trên thi đàn hơn nửa thế kỷ qua. Trong sổ tang lễ, Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã viết: Sự nghiệp thi ca của Tế Hanh như con sông quê hương thân yêu sẽ còn mãi với bạn đọc và công chúng yêu thi ca cả nước. Giáo sư Vũ Khiêu đã rất xúc động trong lễ tang nhà thơ Tế Hanh, một con người đã dành cả cuộc đời để viết thơ, tất cả các bài thơ của ông đều toát lên tình cảm sâu sắc với Tổ quốc. Tiễn biệt nhà thơ Tế Hanh, Giáo sư Vũ Khiêu đã viết câu đối: "Trăm áng giai thi đều vì nước/ Một đời phúc hậu để cho con"...
Cùng ngày, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi-quê hương nhà thơ Tế Hanh cũng đã tiến hành lễ truy điệu, tưởng nhớ người con của quê hương.
TRỊNH MAI