Chúng tôi có dịp đi công tác tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn- một địa bàn vốn có nhiều thuyền độc mộc vào loại bậc nhất nước ta và được nghe các cụ cao niên kể về cội nguồn cũng như sự thăng trầm thuyền độc mộc qua nhiều biến cố của lịch sử...
 |
Thuyền độc mộc trên lòng hồ Ba Bể. Ảnh: ĐỨC TUY |
Chúng tôi có dịp đi công tác tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn- một địa bàn vốn có nhiều thuyền độc mộc vào loại bậc nhất nước ta và được nghe các cụ cao niên kể về cội nguồn cũng như sự thăng trầm thuyền độc mộc qua nhiều biến cố của lịch sử. Theo ông Triệu Văn Bảy, 85 tuổi ở xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể-một người đã gắn bó với thuyền độc mộc từ khi còn nhỏ-thì chiếc thuyền độc mộc có từ lâu lắm rồi, khi ông còn bé thường chèo nó chở những nông sản qua sông. Nó trở thành phương tiện giao thông quan trọng không thể thiếu, là nét đẹp văn hóa đặc trưng của cư dân nơi đây. Mỗi chiếc thuyền độc mộc làm bằng thân cây gỗ có chiều dài từ 3 đến 5m, rộng khoảng 0,5m, loại gỗ dùng làm thuyền này là gỗ đinh hương rắn chắc lâu mục, mọc ở núi cao. Tuổi thọ của thuyền độc mộc từ 15 đến 20 năm. Với thân hình nhỏ nhắn, thuyền độc mộc đã toát lên vẻ đẹp đặc trưng của nó. Để xuôi chèo mát mái đòi hỏi người chèo thuyền phải khéo léo cẩn thận trên từng chuyến đi. Trong những năm chống giặc ngoại xâm, thuyền độc mộc góp phần cùng với chiến sĩ làm nên chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
Trước kia, mỗi nhà ở thôn Nam Mẫu thường có một chiếc thuyền độc mộc. Nhưng bây giờ khoảng 15 nhà thì may ra có một cái thuyền này. Sau khi sử dụng lâu năm thuyền bị hỏng, một số người dân không có gỗ để làm thuyền mới nữa hoặc chuyển sang thay thế thuyền làm bằng sắt. Nguyên nhân sự mai một của thuyền độc mộc không chỉ do người dân không có gỗ để làm thuyền, mà còn là do quá trình phát triển xã hội, con người đã tạo ra được phương tiện hữu ích hơn thay thế dần sức lao động của con người. Đó là những chiếc thuyền sắt, thuyền máy…
Hình ảnh chiếc thuyền độc mộc ở hồ Ba Bể từng là nét văn hóa đặc trưng cho cư dân nơi đây đang đứng trước nguy cơ biến mất. Mong rằng trong quá trình phát triển các dịch vụ du lịch người dân luôn nhanh nhạy nắm bắt, tiếp thu cái mới nhưng cũng cần biết giữ cái “cốt cách” đặc sản địa phương mình. Có vậy mới kéo được khách du lịch. Có vậy con cháu mai sau mới biết phát huy các giá trị văn hóa của địa phương.
ĐỨC TUẤN