Mở đầu Phiên chất vấn, nhấn mạnh khoa học có vai trò thúc đẩy và “đón trước” sản xuất, đại biểu Phùng Đức Tiến (Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường - Đoàn Hà Nam) đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ chế, chính sách giúp các viện, trường tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thương mại hóa và tham gia vào sản xuất? “Làm sao để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chấm dứt tình trạng các nghiên cứu nằm yên trong ngăn kéo”, đại biểu Phùng Đức Tiến nêu câu hỏi cho người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận có “một hạn chế xuyên suốt”, là nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo ngành khoa học-công nghệ, đó là “chậm đưa kết quả nghiên cứu vào cuộc sống”. Bộ trưởng khẳng định, thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học là một trọng tâm công tác của mình trong nhiệm kỳ khóa XIV này. Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định cơ chế, chính sách để thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào sản xuất hiện nay đã được thay đổi, tập trung rõ nhất tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, quá trình triển khai thi hành Luật hiện hành vẫn đang thiếu đi sự quan tâm của doanh nghiệp, cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại thẳng thắn nêu quan điểm: “Không phải đến bây giờ mới có chuyện đề tài “đút ngăn kéo”. Tôi không phủ nhận cố gắng của các Bộ, nhưng thực sự vẫn còn sự lãng phí rất lớn trong lĩnh vực này, nhất là trong lĩnh vực khoa học xã hội, rất nhiều đề tài không có tính ứng dụng."

Còn đại biểu Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cũng chất vấn: “Hằng năm, Bộ đã bỏ ra bao nhiêu tiền cho nghiên cứu khoa học; hiệu quả như thế nào?”

Với các ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cam kết sẽ quan tâm đến việc xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể, thiết thực hơn. Một giải pháp quan trọng khác là đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho khoa học-công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ trưởng cho hay, năm 2016, trong tổng kinh phí dành cho hoạt động khoa học-công nghệ, nguồn chi từ doanh nghiệp đã tăng lên tới 48%. Một số doanh nghiệp đã đầu tư rất lớn cho khoa học-công nghệ như Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia...  

Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 19-3.

Nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn, đề nghị Bộ trưởng Chu Ngọc Anh làm rõ. Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa), ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp còn tồn tại bất cập, được các nhà chuyên môn, dư luận quan tâm, phản ánh. Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Chu Ngọc Anh về những giải pháp mà Bộ đã triển khai để ngăn chặn hành vi lợi dụng đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp, làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân Việt Nam.

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, sự quan tâm và chủ trương, chỉ đạo để tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào trong nông nghiệp đã cũng có từ thời gian đã lâu, đặc biệt, thời gian gần đây là thông qua Nghị quyết của Chính phủ năm 2017, Thủ tướng đã trực tiếp có hội nghị để triển khai.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, trên thực tế, theo Luật Công nghệ cao, bên cạnh các chương trình và hỗ trợ cụ thể, chúng ta có khái niệm các khu nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm và có phân cấp đối với một số khu và dự án sản xuất nông nghiệp và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, "sự phối hợp này rất chặt chẽ, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nêu rõ: Trên tinh thần của Luật Công nghệ cao và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao được triển khai với tiêu chí 5% lao động - 1% doanh thu, chưa kể các yêu cầu về công nghệ cao…

“Vừa qua, trong triển khai cụ thể đã có tác động rất chặt chẽ, các tập đoàn cũng tham gia đầu tư, như Công ty TH True Milk, nhiều công ty khác đã khai thác các chuỗi nông nghiệp; đồng thời, khoa học công nghệ cũng bảo đảm đồng bộ theo, xét xem cái gì có thể nội địa hóa, cái gì có thể tạo nguồn thu”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho hay. Mặt khác, “chúng tôi cũng có triển khai gói tín dụng 100.000 tỷ đồng, với 273 doanh nghiệp tham gia, đồng thời đặt ra những tiêu chí hết sức ngặt nghèo. Đây là những nền tảng cơ bản tác động mạnh vào nông nghiệp và đúng đối tượng để thúc đẩy, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã mời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời thêm về vấn đề này liên quan đến ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay sản xuất như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, kết quả 30 năm qua chúng ta đã đạt được thành tựu vô cùng to lớn: Việt Nam đã xuất khẩu nông sản đi 185 nước; đã đáp ứng đủ nhu cầu cho 93 triệu dân; năm vừa qua xuất khẩu 36,52 tỉ USD tiền nông sản, năm nay dự kiến vượt con số 40 tỉ USD...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, để có được kết quả trên thì khoa học công nghệ chính là yếu tố then chốt. Điều này cũng quyết định đến tính hiệu quả, tính cạnh tranh trong tương lai của chúng ta.

Bộ trưởng cũng lấy một ví dụ về việc ứng dụng khoa học công nghệ cao tiếp tục phát triển trong tương lai: Riêng về sản xuất cây lương thực, chúng ta chỉ có hơn 3 triệu ha đất canh tác, nhưng đã làm ra một khối lượng nông sản, riêng lương thực là 45 triệu tấn; năng suất lúa hiện nay của chúng ta đã đáp ứng là một trong những nước đi đầu. Điều đặc biệt, chúng ta đang ưu tiên đầu tư vào các nhóm giống để bảo đảm chất lượng cao, nhằm đáp ứng được yêu cầu của thế giới. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, các bộ hiện đang có sự kết hợp rất chặt chẽ với nhau để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Kết thúc phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 19-3, có 30 đại biểu đã trực tiếp hỏi và được Bộ trưởng trả lời trực tiếp tại hội trường; 16 đại biểu đã đăng ký, tuy nhiên do thời gian có hạn, chưa được hỏi tại hội trường, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu gửi câu hỏi để Bộ trưởng trả lời bằng văn bản. Phó chủ tịch Quốc hội khẳng định, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã trả lời thẳng thắn các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự trả lời nghiêm túc của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ghi nhận quyết tâm chính trị cùng lời hứa và những giải pháp Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã nêu ra để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác khoa học, công nghệ trong thời gian tới.

Tin, ảnh: NGUYỄN THẢO