Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN cho biết, Hội nghị quốc tế lần thứ IV về hợp tác với các tổ chức PCPNN được tổ chức nhằm đánh giá một cách toàn diện kết quả hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN sau 6 năm kể từ Hội nghị lần thứ III năm 2013; trao đổi để rút ra các bài học kinh nghiệm về quan hệ hợp tác giữa các bên đối tác; chia sẻ thông tin về nhu cầu và ưu tiên của Việt Nam trong hợp tác với các tổ chức PCPNN; thảo luận về phương hướng tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN trong những năm tới.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, thay mặt Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) - cơ quan thường trực của Ủy ban Công tác về các tổ chức PCPNN và đầu mối về quan hệ và vận động viện trợ PCPNN, Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh, trong những năm qua, công cuộc giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam đã đạt được ​những thành tựu đáng kể, một phần nhờ vào sự đồng hành và hỗ trợ tuyệt vời từ bạn bè trên khắp thế giới, trong đó có các tổ chức PCPNN. Bên cạnh đó, các tổ chức PCPNN còn là những đại sứ giúp giới thiệu về đất nước, văn hoá, con người Việt Nam, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè khắp năm châu. Qua đó, các tổ chức PCPNN đã đóng góp tích cực cho công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam.

Trong những năm qua, chủ trương nhất quán của Việt Nam là khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức PCPNN, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước đồng thời tranh thủ nguồn lực này góp phần vào công cuộc giảm nghèo, phát triển đất nước.

Quang cảnh hội nghị

Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến không thuận lợi cho việc huy động nguồn lực cho công tác PCPNN ở Việt Nam nhưng trên cơ sở quan điểm nhất quán của Nhà nước, sự nỗ lực và phối hợp của các bộ ngành, địa phương, công tác PCPNN trong 6 năm qua vẫn được duy trì tương đối ổn định. Hiện nay, có khoảng 500 tổ chức PCPNN đã đăng ký và hoạt động thường xuyên tại Việt Nam với tổng giá trị viện trợ giải ngân từ 270 - 300 triệu USD/năm. Hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN được triển khai ở 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương trên các lĩnh vực khác nhau, trong đó tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và có nhu cầu như  y tế, giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; giải quyết các vấn đề xã hội; giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội; môi trường và biến đổi khí hậu.

Tại phiên toàn thể của Hội nghị, các đại biểu được nghe các báo cáo của các tổ chức, cơ quan khác nhau về hợp tác với các tổ chức PCPNN cũng như báo cáo về nội dung và kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác và vận động viện trợ PCPNN giai đoạn 2019-2015. Trong chương trình hội nghị cũng có 6 Hội thảo chuyên đề thảo luận về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN trong các lĩnh vực ưu tiên sau: giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; y tế; hợp tác giữa các doanh nghiệp nước ngoài và các tổ chức PCPNN vì phát triển bền vững; giải quyết các vấn đề xã hội và khắc phục hậu quả chiến tranh; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ khẩn cấp; giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội.

Theo kế hoạch, Hội nghị Quốc tế lần thứ IV về hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức PCPNN sẽ bế mạc vào ngày 13-12.

Tin, ảnh: THÙY LINH