Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động.

Phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau với tinh thần “tương thân, tương ái” để cùng vượt qua thách thức; cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã có nhiều đóng góp quan trọng, thiết thực, hiệu quả, kịp thời cả về vật chất và tinh thần trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp đối với nhân dân, với đất nước. Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo đại hội. 

Cùng cộng đồng doanh nghiệp, vai trò, vị thế và uy tín của VCCI ngày càng được khẳng định, đề cao. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa cao, đóng góp vào thành công chung của đất nước”.

Đạt được những kết quả như vậy là nhờ VCCI đã bám sát tình hình, nắm vững, quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân; phát huy truyền thống và tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nêu cao vai trò người đứng đầu; sự tín nhiệm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tuy vậy, như Báo cáo đại hội và nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, đứng trước những thách thức, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng Chính phủ nhận định, còn nhiều điều VCCI có thể làm tốt hơn như tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn; cải thiện tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của VCCI, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả; hoạt động tham gia xây dựng chính sách của VCCI đối với nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước cần được đẩy mạnh hơn nữa; cần đề cao sự liên kết các hiệp hội doanh nghiệp; quan tâm hơn nữa đến công tác đại diện cho người sử dụng lao động và hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy phát triển bền vững trong các doanh nghiệp…

Thủ tướng nhấn mạnh, công việc của VCCI sẽ nhiều hơn, nặng nề hơn, với những nhiệm vụ lớn, khó khăn phải làm và cần làm tốt hơn để đáp ứng yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi, tin tưởng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Khối trưởng Khối Thi đua các Bộ ngành kinh tế năm 2020 đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác.

Khẳng định doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh, là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế, tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để có được cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, lớn mạnh, chúng ta cần có vai trò của VCCI - tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động.

Về kế hoạch nhiệm kỳ tới, Thủ tướng cơ bản tán thành 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược mà văn kiện Đại hội của VCCI đã đề ra. Từ những nhiệm vụ và mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị VCCI tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Một là, không ngừng xây dựng, củng cố VCCI thực sự trở thành tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. VCCI không chỉ đại diện cho gần 200.000 doanh nghiệp hội viên trực tiếp mà VCCI phải xây dựng vị thế và xác lập uy tín xứng đáng là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Hai là, ưu tiên và tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế. Mục tiêu quan trọng nhất là làm sao các chính sách, pháp luật khi ban hành phải gần với cuộc sống nhất, khả thi nhất, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển hiệu quả nhất, tôn trọng thực tiễn để đi vào thực tiễn.

Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, VCCI cần tiếp tục nâng cao chất lượng và tính lan tỏa trong việc nghiên cứu, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tích cực tham gia cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, hướng tới góp phần nhiều hơn vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.

Ba là, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Thủ tướng cơ bản tán thành với tầm nhìn của VCCI là “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh thượng”, đồng thời gợi ý bổ sung vào tầm nhìn của VCCI là "Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia hùng cường, thịnh vượng".

Đề nghị VCCI thời gian tới triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sản xuất để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. VCCI cần quan tâm hơn nữa đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ, xây dựng và củng cố quan hệ lao động bền vững, hài hòa…

Bốn là, đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam với tinh thần đoàn kết, dân tộc, tự cường, tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, Thủ tướng tán thành với định hướng của VCCI là bắt tay ngay xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Năm là, dẫn dắt doanh nghiệp hội nhập thành công. Thời gian qua, Chính phủ đã rất tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do với hầu hết thị trường lớn, quan trọng nhất trong khu vực và trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi từ các hiệp định này.

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 (với tên gọi tắt vẫn giữ nguyên là VCCI) đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.

Các đại biểu dự đại hội chụp ảnh lưu niệm. 

Đại hội thống nhất, hơn lúc nào hết, đứng trước nhu cầu của các doanh nghiệp, trước mệnh lệnh phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, cộng đồng doanh nghiệp cần “Đoàn kết-Đổi mới-Sáng tạo-Trách nhiệm” để thực hiện cho được khát vọng dân tộc đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển.

Đại hội xác định, nhiệm kỳ tới và giai đoạn phát triển mới của đất nước sẽ đầy thách thức, cam go với những biến động khó lường mà Covid-19 có thể mới chỉ là sự khởi đầu, do vậy VCCI cần có sự đổi mới từ tầm nhìn đến nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao vai trò, hiệu quả, xứng đáng là tổ chức đại diện quốc gia, là chỗ dựa của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đại hội đã nhất trí thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VI, 2015-2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VII, 2021-2020; Báo cáo kiểm điểm công tác của Ban Chấp hành và Ban Kiểm tra khóa VI; đổi tên Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam thành Liên đoàn Thương mại và công nghiệp.

Đại hội đã xác định các phương hướng, mục tiêu cùng với 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và đặc biệt là 3 đột phá chiến lược của nhiệm kỳ mới, đó là: Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; tiên phong xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam hình thành và thúc đẩy thực hiện các quy ước, chuẩn mực chung về đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp. Xây dựng, củng cố niềm tin xã hội đối với doanh nghiệp và sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa VII gồm 93 ủy viên, đại diện cho gần 200.000 doanh nghiệp, trên 220 hiệp hội doanh nghiệp hội viên trên toàn quốc. Đồng chí Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026.

BĂNG CHÂU