Dự Phiên họp có các Phó thủ tướng; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, cơ quan của Trung ương Đảng, Quốc hội và lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, tình hình thế giới thời gian qua và hiện nay về tổng thể là hòa bình, nhưng cục bộ vẫn có chiến tranh; tổng thể là hòa hoãn, nhưng cục bộ vẫn căng thẳng; tổng thể là ổn định, nhưng cục bộ vẫn có xung đột. Về kinh tế, lạm phát đã hạ nhiệt nhưng còn neo ở mức cao; chính sách tiền tệ các nước vẫn thắt chặt nhưng dự báo nới lỏng hơn trong thời gian tới; thương mại toàn cầu vẫn ở mức yếu; thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu tiếp tục phức tạp.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2024.

Ở trong nước, trên đà phục hồi, phát triển của năm 2023, tháng 1 vừa qua diễn ra nhiều sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội và đối ngoại quan trọng như các kỳ họp bất thường Trung ương, Quốc hội.

Trong đó, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 2 Luật, 2 Nghị quyết. Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương tổng kết công tác năm 2023, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2024... Cả nước đang khẩn trương, tích cực chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Thủ tướng chỉ rõ, sau Hội nghị Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 1 triển khai nhiệm vụ năm 2024 với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, 168 nhiệm vụ cụ thể với phương châm "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững". 

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 tiếp tục đạt những kết quả tích cực, đáng ghi nhận: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều có nhiều tín hiệu tích cực ngay từ tháng đầu năm; đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Công tác quy hoạch, chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh; các lĩnh vực văn hoá, xã hội được chú trọng; đời sống người dân tiếp tục được cải thiện; 3 đột phá chiến lược tiếp tục được thúc đẩy; tích cực chuẩn bị cho nhân dân vui Xuân, đón Tết; tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, nhân Kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2-1930/3-2-2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa có bài viết “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Bài viết khẳng định dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Qua đó, củng cố thêm niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, có thêm bản lĩnh, tự tin để chúng ta đi lên; hướng đến năm 2030 Đảng ta tròn 100 tuổi, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Về nhiệm vụ tháng 2 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận đánh giá tình hình, bài học kinh nghiệm, nhất là trong chỉ đạo, điều hành và phản ứng chính sách. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp làm mới các động lực cũ gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng; bổ sung, khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo; tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân; tìm giải pháp khắc phục đứt gãy chuỗi sản xuất và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; tăng cường đối ngoại; tập trung khai thác tối đa nguồn lực mà các tập đoàn, tổng công ty đang nắm giữ. Đặc biệt, trước mắt tổ chức cho nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, nghĩa tình, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết, không ai bị bỏ lại phía sau.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc nhở không được say sưa với thắng lợi; không chủ quan lơ là mà cần tiếp tục nỗ lực cố gắng hơn, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Chỉ rõ và phân tích các hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm thời gian qua, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới tiếp tục bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, lãnh đạo chủ chốt, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng để cụ thể hóa thành kế hoạch, lộ trình thực hiện của từng cấp, ngành và cơ quan.

Thủ tướng yêu cầu trước mắt tập trung lo cho toàn dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và người yếu thế được đón Tết an lành, vui tươi, tiết kiệm, nghĩa tình và an toàn; mọi người dân đều có Tết; khẩn trương hoàn thiện Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai các Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ. Thủ tướng yêu cầu tập trung chuẩn bị các đề án theo chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, đề án trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tiến độ, chất lượng đề ra; tiếp tục phát huy hiệu quả của 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ và 5 Tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, trực tiếp làm việc, nắm bắt, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc ngay từ đầu năm; tổ chức họp với các địa phương để triển khai các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ bằng hình thức phù hợp.

Thủ tướng chỉ đạo phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Đồng thời phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; củng cố những thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng. Trong đó, tập trung tạo thuận lợi thu hút, giải ngân các nguồn lực đầu tư của toàn xã hội; xúc tiến, thu hút dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, Hydrogen... Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng nông, lâm, thủy sản sang những thị trường lớn, tiềm năng; đẩy nhanh đàm phán, ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE, các FTA với Brazil, Khối thị trường chung Nam Mỹ, Ấn Độ; khai thác thị trường Halal để mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng; khai thác hiệu quả thị trường trong nước, thực hiện kích cầu tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán; triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia; đẩy nhanh phê duyệt quy hoạch. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2024; xử lý các dự án tồn đọng, khó khăn, vướng mắc về cung ứng vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng, chuyển mục đích sử dụng đất rừng…; khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch còn lại và 5 quy hoạch vùng; triển khai nhanh, hiệu quả quy hoạch đã ban hành.

Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh; tập trung triển khai thực hiện Đề án 06 theo tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo thực hiện phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, ngành công nghiệp chủ lực; đẩy nhanh tiến độ dự án quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa mạnh mẽ; chủ động triển khai giải pháp bảo đảm an ninh năng lượng; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu…, nhất là huy động sức mạnh tổng lực sớm hoàn thành đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.

Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là lương thực, thực phẩm, phát triển công nghiệp chế biến nông sản và các mặt hàng nông sản chất lượng, giá trị gia tăng cao...

Về dịch vụ, du lịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng phải phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao như vận tải, logistics, giáo dục, y tế, ngân hàng...

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chú trọng lĩnh vực văn hóa, xã hội; làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội.

Thủ tướng yêu cầu quán triệt, tuyên truyền rộng rãi, hiểu sâu sắc bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng", qua đó, củng cố thêm niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, tinh thần yêu nước, có thêm bản lĩnh, tự tin; phát huy tinh thần trách nhiệm; tạo khí thế mới, động lực mới hoàn thành nhiệm vụ được giao....

TTXVN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.