Hội nghị được tổ chức với hơn 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ còn có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, ngành Y tế và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Dự hội nghị tại đầu cầu 63 địa phương có lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, thành phố.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2021, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, ngành Y tế cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ, đặc biệt là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng cùng các đại biểu dự hội nghị.

Ngành Y tế tích cực hoàn thiện, rà soát, bổ sung kịp thời các biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp luật, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách, xây dựng hàng trăm văn bản hướng dẫn chuyên môn để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 (từ tháng 4-2021) với chủng virus Delta và sau này là chủng Omicron, đa nguồn lây, đa ổ bệnh và đã xâm nhập sâu trong cộng đồng, xuất hiện ở mọi lứa tuổi tấn công vào các khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở y tế, trường học, cơ quan hành chính, nhóm sinh hoạt tôn giáo... và tại các khu vực có mật độ dân cư cao làm số mắc tăng nhanh.

Ngành Y tế đã đi đầu, huy động mọi nguồn lực, không quản khó khăn, gian khổ, thực hiện tốt nhất các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh, vì sức khỏe của người dân, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.  Sau hơn 5 tháng xảy ra đợt dịch thứ 4, đến hết ngày 10-10-2021 dịch đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 về việc ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Đến nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ. Việc kiểm soát dịch bệnh, ngoài bảo vệ sức khỏe của người dân, còn giúp đất nước có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và đạt được nhiều thành tựu đáng mừng.

Bên cạnh phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế tập trung phòng, chống các dịch bệnh khác, không để tình trạng "dịch chồng dịch". Số mắc, tử vong của hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020.

Công tác quản lý môi trường y tế, truyền thông, y tế cơ sở được tăng cường để người dân nâng cao ý thức tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bản thân và cộng đồng, giảm nguy cơ phải nhập viện, đặc biệt là người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022. Ảnh: Dương Giang

Thực hiện nhiệm vụ kép, bảo đảm an toàn cho bệnh viện, phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới. Tăng cường năng lực ngay tại cơ sở, thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng  thuận lợi, kịp thời.

Các chính sách nhằm đổi mới công tác dân số tiếp tục được hoàn thiện, duy trì vững chắc mức sinh thay thế trong cả nước, giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, triển khai các can thiệp dinh dưỡng, giảm tử vong trẻ em có hiệu quả.

Với phương châm chuyển “nguy” thành “cơ” trong đại dịch Covid-19 để tăng tốc chuyển đổi số trong ngành y tế. Bộ Y tế được xếp thứ 5 về chuyển đổi số trong 18 Bộ có cung cấp dịch vụ công. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên thực hiện áp dụng tờ khai y tế điện tử. Xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử, đẩy mạnh tư vấn khám chữa bệnh từ xa...

Nghiên cứu, đầu tư, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19, thuốc, trang thiết bị y tế trong nước. Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được vi rút SARS-CoV-2, đã có 4 vắc xin được thử nghiệm lâm sàng, 2 vắc xin chuyển giao công nghệ với Nga, Nhật; nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm chẩn đoán, một số trang thiết bị y tế; đảm bảo được trang thiết bị phòng hộ…

Ngành Y tế xây dựng Đề án phát triển nhân lực y tế vùng khó khăn, Đề án về một số chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng; Giải pháp ổn định và phát triển đội ngũ y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản. Đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia, đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế...

Báo Quân đội nhân dân Điện tử sẽ tiếp tục cập nhật nội dung hội nghị...

HUY LÊ