Tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức trực tiếp tại Bắc Giang, kết nối trực tuyến tới 63 điểm cầu trên cả nước, sáng 12-6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chăm lo cho công nhân, người lao động (NLĐ) cũng chính là thực hiện mục tiêu xuyên suốt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã đặt ra kể từ ngày thành lập Đảng cho tới nay.

Thủ tướng và các bộ trưởng/trưởng ngành tham gia cuộc đối thoại đã giải đáp nhiều vấn đề mà công nhân đặc biệt quan tâm như: Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), nhà ở, tín dụng đen...

Khắc phục hậu quả của dịch Covid-19 tác động tới đời sống, công việc của công nhân

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta và của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chặng đường cách mạng là đất nước ta được độc lập, nhân dân ta được tự do, được ấm no và hạnh phúc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện với công nhân xây dựng tại Bắc Giang. Ảnh: ĐOÀN BẮC

Theo Thủ tướng, chăm lo cho công nhân, NLĐ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các chủ thể có liên quan. Thủ tướng bày tỏ vui mừng vì trong hai năm qua, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành, nhưng các cấp, các ngành, các cơ quan vẫn có nhiều hình thức gặp gỡ, lắng nghe, đối thoại với công nhân lao động.

Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ luôn quan tâm, chăm lo, đồng hành để tìm giải pháp khắc phục những hậu quả, tác động của dịch Covid-19 tới đời sống và công việc của công nhân; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để bảo đảm quyền lợi của NLĐ. 

Chia sẻ, cảm thông với những mất mát, khó khăn, vất vả mà công nhân, NLĐ phải chịu đựng trong hơn hai năm qua do dịch Covid-19, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi nhất để anh chị em sớm vượt qua khó khăn, trở lại lao động, làm việc, ổn định đời sống.

Sẽ giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội

Đối thoại với Thủ tướng Chính phủ, công nhân Nguyễn Thị Thúy Hà (Hợp tác xã Mây Tre Lá Ba Nhất, TP Hồ Chí Minh) nêu bất cập trong quy định về thời gian đóng BHXH quá dài để được hưởng lương hưu, trong khi nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách để chấm dứt hợp đồng lao động khi công nhân bước sang tuổi 40-45.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết: Nước ta có 55 triệu lao động, trong đó 20 triệu người có giao kết hợp đồng lao động, nhưng chỉ có 16 triệu người tham gia BHXH bắt buộc.

Trong quý 1, quý 2-2022 có tình trạng NLĐ rút BHXH một lần. Đây là điều không tốt, gây hệ lụy lâu dài cho NLĐ khi nghỉ hưu. Vì vậy, việc đầu tiên phải nâng cao đời sống, phúc lợi cho công nhân, NLĐ, nhất là đối với công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Vấn đề này chúng ta đã rất tập trung trong và sau đợt dịch. 

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao quà tặng công nhân tại điểm cầu Bắc Giang. Ảnh: ĐOÀN BẮC

Về đề xuất sửa đổi quy định thời gian đóng BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ LĐ-TB&XH đã hoàn tất hồ sơ dự án sửa đổi, bổ sung Luật BHXH với 11 nhóm chính sách được đề xuất sửa đổi. Dự kiến, dự án luật sẽ được trình Quốc hội xem xét vào năm 2023. Dự thảo luật đề ra lộ trình rút dần thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm, tiến tới có thể rút còn 10 năm, trên tinh thần đóng dài hưởng dài, đóng ngắn hưởng ngắn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cơ chế, chính sách phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn; lấy thực tiễn làm thước đo để xây dựng và hoàn thiện chính sách. Pháp luật về BHXH có những điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Các cơ quan đã lắng nghe ý kiến công nhân, NLĐ, tập hợp, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội đưa nội dung sửa đổi Luật BHXH vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. 

3,4 triệu lượt công nhân, người lao động sẽ được hỗ trợ về nhà ở

Công nhân Nguyễn Ngọc Thủy (Công ty TOTO Việt Nam, TP Hà Nội) và công nhân Nguyễn Đình Biên (Công ty TNHH Woosin Vina, tỉnh Nghệ An) nêu vấn đề về chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: Thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 thì chính sách hỗ trợ về nhà ở cho công nhân, NLĐ được triển khai nhanh nhất, sớm nhất. Hiện nay, 61 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tập hợp xong danh sách (Điện Biên và Lai Châu không có đối tượng hỗ trợ).

Sau khi tập hợp danh sách từ địa phương, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến sẽ có khoảng 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ nhà ở và chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất, hỗ trợ người kiên trì bám trụ sản xuất từ ngày 1-2 đến 30-6; nhóm thứ hai, hỗ trợ NLĐ trở lại sản xuất từ ngày 1-4 đến 30-6.

Bộ LĐ-TB&XH đã cùng Bộ Tài chính thống nhất và sau khi xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, sẽ xin ý kiến Quốc hội cho phép ứng 70% kinh phí này để tất cả các địa phương triển khai, bảo đảm sẽ kết thúc chính sách này với kết quả tốt nhất theo đúng thời hạn quy định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đã chỉ đạo, làm việc với Bộ Xây dựng nhiều lần về vấn đề này. Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ Xây dựng làm rõ về những việc đã làm được, chưa làm được, những giải pháp thời gian tới, có bước đi phù hợp, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của NLĐ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư xây dựng 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội. 122 dự án nhà ở cho công nhân đã được thực hiện với quy mô khoảng 2,7 triệu m2. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trên cả nước.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu rõ: Tổng LĐLĐ Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề nhà ở cho công nhân. Việc triển khai thực hiện chủ trương phát triển nhà ở cho công nhân gặp một số điểm vướng tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư công.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng chỉ ra một số điểm vướng về pháp lý. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì xem xét, tiếp thu các ý kiến về vấn đề này, đề xuất Chính phủ sửa đổi các nghị định. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp, cùng các bộ, ngành đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp với thực tiễn để giải quyết vấn đề nhanh nhất có thể.

 Công nhân tại điểm cầu Bắc Giang bày tỏ quyết tâm thi đua sản xuất. Ảnh: ĐOÀN BẮC

Tăng cường tín dụng tài chính vi mô để ngăn chặn tín dụng đen 

Chị Trần Thị Toan (cán bộ Công đoàn cơ sở Công ty TNHH New Apparel Far Eastern Việt Nam, tỉnh Bình Phước) cho biết, sau dịch Covid-19, nhiều công nhân gặp khó khăn về tài chính nhưng khó tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng nên phải vay tín dụng đen.

Chị Toan cũng bị đối tượng cho vay nặng lãi gọi điện đe dọa, bôi nhọ danh dự vì công nhân của công ty vướng vào tín dụng đen. Chị Toan đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng cho công nhân hoặc hỗ trợ vốn cho Quỹ CEP, một mô hình hỗ trợ tín dụng của công đoàn cung cấp cho công nhân.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú nhận trách nhiệm về ngành ngân hàng khi người dân không tiếp cận được nguồn vốn chính thức, phải tiếp cận tín dụng đen. NHNN Việt Nam thời gian qua đã chỉ đạo tăng cường cung ứng dịch vụ, cho vay tiêu dùng đến mọi đối tượng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

NHNN Việt Nam đang hoàn thiện thêm hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại mạnh dạn cho vay phát triển thị trường nhỏ lẻ; sử dụng công nghệ để tạo điều kiện thuận lợi cho người vay tiếp cận nguồn vốn. Cách đây hai tuần, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường tín dụng tài chính vi mô, tạo điều kiện cho người yếu thế tiếp cận tín dụng tài chính ngân hàng.

Theo Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an: Để phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tín dụng đen, Bộ Công an sẽ tập trung tổ chức phòng ngừa xã hội; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thông tin phương thức, thủ đoạn của tín dụng đen nhằm nâng cao ý thức tự giác cho công nhân và người dân.

Bộ Công an cũng đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố kiểm tra hành chính các cơ sở, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này, nhằm phát hiện tội phạm vi phạm pháp luật, xử lý cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng chính sách để hoạt động tín dụng đen.

Trao đổi với chúng tôi sau cuộc đối thoại, nhiều công nhân bày tỏ phấn khởi trước những thông tin mà Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành đưa ra. Đây là sự khích lệ rất lớn để công nhân, NLĐ cả nước nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thi đua lao động sản xuất, đóng góp tích cực hơn vào công cuộc phục hồi, phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.

Tại cuộc gặp gỡ và đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao 25 phần quà tặng công nhân, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Nhân dịp này, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) đã trao kinh phí ủng hộ cho con công nhân có hoàn cảnh khó khăn, bị mồ côi do dịch Covid-19 thông qua Quỹ Tấm lòng vàng Lao động của Tổng LĐLĐ Việt Nam.    

CHIẾN THẮNG