Qua thảo luận, các đại biểu đều tán thành với việc ban hành dự án luật và việc thành lập 3 đơn vị hành chính đặc biệt là: Vân Đồn ở tỉnh Quảng Ninh, Bắc Vân Phong ở tỉnh Khánh Hòa và Phú Quốc ở tỉnh Kiên Giang.

Thống nhất xây dựng mô hình trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đồng ý với việc lựa chọn Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) là ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Theo đại biểu, đây là đơn vị đại diện cho sự khác biệt vùng miền, có vị trí địa chiến lược- là một trong 6 yếu tố dẫn đến thành công của các đặc khu trên thế giới.

Về mô hình tổ chức chính quyền ở đặc khu, đại biểu chọn phương án 1 của dự thảo luật. Theo đó, chính quyền địa phương đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là thiết chế của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, cùng các cơ quan chuyên môn trực thuộc; đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt phải được tổ chức các mô hình chính trực thuộc, không phân định thành các đơn vị hành chính cấp dưới. Theo đại biểu, với mô hình này mới tạo ra điều kiện thuận lợi cho phát triển và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy phù hợp với thông lệ quốc tế, để thể hiện tính khác biệt về hành chính.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) phát biểu thảo luận. Ảnh: Văn Bình.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung thêm trong dự luật quy định về nhiệm kỳ của trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và các định hướng nguyên tắc cơ bản để hình thành tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; giao thẩm quyền cho trưởng đơn vị hành chính-kinh tế hợp nhất, tổ chức lại các cơ quan tham mưu của cấp ủy với cơ quan chuyên môn có chính quyền thành cơ quan tham mưu giúp việc cho cả cấp ủy và chính quyền.

Về cơ chế phản ứng nhanh của đặc khu, đại biểu đề nghị dự thảo cần bổ sung cơ chế đặc thù trong tuyển chọn, đề bạt cán bộ, kể cả chức vụ trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, như thi tuyển, tranh cử, rút gọn quy trình xử lý kỷ luật, giảm bớt một số hình thức kỷ luật, chỉ giữ lại hình thức kỷ luật cao nhất.

Về chính sách phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu tán thành với phương pháp tiếp cận của dự thảo luật. Theo đó, không ưu đãi dàn trải, chỉ tập trung vào các ngành nghề ưu tiên phát triển của từng đặc khu và tập trung thu hút vào các lĩnh vực công nghệ phát triển cao, nghiên cứu và ứng dụng, y tế, giáo dục, khởi nghiệp sáng tạo, công nghệ 4.0... Đại biểu đề nghị cân nhắc chọn lọc được các nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ, khai thác tối đa hiệu quả của một đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và cân nhắc các chính sách ưu đãi ở các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ xa xỉ, siêu lợi nhuận, hoàn vốn nhanh như làm casino, vui chơi-giải trí; chỉ nên tập trung cho chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, miễn thuế giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản không quá 3 năm và giảm chứ không miễn một số chính sách thuế trong các năm tiếp theo. Đại biểu cũng đề nghị dự luật cần quy định cụ thể mức phân bổ ngân sách và các nguồn thu để lại tại các đặc khu trong thời gian đủ để các đặc khu hoàn chỉnh chính sách, bộ máy và cũng là cơ sở để cơ quan chức năng thực hiện giám sát, đánh giá hiệu quả mang lại của các đặc khu.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Đoàn Tiền Giang) cũng đồng tình với phương án 1 về mô hình tổ chức chính quyền ở đặc khu, các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt không phải là cấp chính quyền địa phương, không có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, mà thay vào đó là thiết chế Trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các cơ quan chuyên môn và Trưởng khu hành chính. Theo đại biểu, mô hình tổ chức này gọn, nhẹ nhưng được phân cấp, phân quyền bảo đảm tính tự chủ, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, tạo điều kiện cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt phát triển kinh tế một cách toàn diện, mạnh mẽ. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền, trách nhiệm giám sát các cơ quan dân cử, đại biểu đề nghị trưởng đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt phải do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về ngân sách đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định cho phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, đồng thời sửa đổi, bổ sung những điều luật của Luật Ngân sách Nhà nước có liên quan ngay trong dự án luật này để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, làm rõ cơ chế của ngân sách trung ương bổ sung trực tiếp cho ngân sách của các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Dự luật quy định mức dư nợ vay của ngân sách đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt không vượt quá 70% số thu ngân sách của các đơn vị được hưởng theo phân cấp, theo đại biểu, trong điều kiện đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có nhiều lợi thế, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, khả năng trả nợ cao thì có thể áp dụng mức dư nợ vay của ngân sách đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt tối đa từ 70-80% mức thu ngân sách của các đơn vị này.

Về chính sách ưu đãi về thuế, theo đại biểu, dự luật đã có sự ưu tiên so với các chính sách thuế hiện hành, nhưng để tránh bị lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đại biểu đề nghị nghiên cứu, rà soát, đánh giá các chính sách ưu đãi thuế dựa trên cơ sở khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, nghề ưu tiên phát triển tại đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, tránh xảy ra việc lợi dụng các chính sách ưu đãi về thuế để trục lợi, quay vòng xuất nhập khẩu hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế và hoàn thuế; đồng thời bảo đảm nguồn thu ngân sách hợp lý.

Thu hút đầu tư vẫn phải bảo vệ chủ quyền, văn hóa Việt Nam

Góp ý về mục tiêu và cách làm, phát triển đặc khu kinh tế, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, thực tế đã có nhiều quốc gia làm đặc khu thất bại do cách làm chứ không phải chủ trương. Thời điểm này chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nên phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: Văn Bình.

Theo đại biểu, trước tiên, dự luật cần xác định rõ những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải "tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hóa Việt Nam". “Nếu nói cùng có lợi nhưng họ lợi 8, mình chỉ có 2 thì không đạt. Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền thu hồi, xử lý. Các dự án đã đầu tư vào đặc khu kinh tế phải bảo đảm được hai bên cùng có lợi và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh quốc gia, bảo vệ bản sắc và truyền thống văn hóa Việt Nam. Đặc khu cần đáp ứng được với những nguyên tắc cơ bản này và những nhà đầu tư nào đáp ứng được điều kiện trên thì chúng ta tạo điều kiện để họ đầu tư, kinh doanh, nếu không đáp ứng được thì cần thu hồi dự án”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu quan điểm.

Theo đại biểu, đến thời điểm này đã đủ điều kiện để ban hành Luật, nhưng Luật cần quy định những quan điểm, mục tiêu chung về đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt chứ không quy định cụ thể cho 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Đại biểu TP Hồ Chí Minh phân tích, ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt này không giống nhau về dân số, vị trí địa lý, lợi thế….; trong trường hợp một trong ba đơn vị không xây dựng thành công thì có thể lấy nghị quyết để điều chỉnh. Còn nếu địa phương nào hứa hẹn thành công trong xây dựng đặc khu thì tiếp tục bổ sung mà không cần phải sửa luật.

Liên quan tới chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư chiến lược được cấp đất tới 99 năm, so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm và do Thủ tướng quyết định, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng chưa hợp lý. Đơn cử, nhà đầu tư chiến lược chỉ cần đầu tư 44.000 tỷ đồng vào xây dựng casino sẽ được cấp đất tới 99 năm. "Liệu rằng 50 năm nữa còn xài tiền, còn đánh bạc không, nếu còn thì còn đánh theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại chúng ta có thu hồi đất hay không?" đại biểu đặt vấn đề và đề nghị không nên nới thêm thời gian giao đất, cũng như cần xem lại khái niệm nhà đầu tư chiến lược quy định tại dự luật hiện "quá dễ dãi".

Còn lưu ý về ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) đồng ý miễn thuế đến năm 2030, nhưng đề nghị sau đó phải thực hiện theo quy định hiện hành, không thể giảm 50% cho những năm tiếp theo, bởi như vậy ngân sách sẽ thất thu và không công bằng với khu vực khác. "Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại, không thể miễn thuế tiền thuê đất, mặt nước cả tuổi đời dự án 70 năm, 90 năm, vì như vậy không khác gì cho không đất đai cho những người thuê đất", đại biểu kiến nghị.

NGUYỄN THẢO