Đa số ý kiến đánh giá, nội dung dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; kế thừa và khắc phục nhiều hạn chế trong quy định của Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước hiện hành. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề nghị giải thích các từ ngữ trong dự thảo Luật bảo đảm đầy đủ, chính xác hơn, để vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước, vừa không làm ảnh hưởng đến quyền tiếp cận thông tin của công dân; bảo đảm thống nhất, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật An ninh quốc gia, Luật Cơ yếu, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật An toàn thông tin mạng...

leftcenterrightdel
 Đại biểu Dương Đình Thông (Đoàn Bắc Giang) phát biểu thảo luận. Ảnh: TTXVN

Nhấn mạnh bí mật nhà nước là một tài sản quốc gia, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng để nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ bí mật nhà nước thì ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo luật quy định cụ thể về trách nhiệm, điều kiện đối với những người được giao trực tiếp biên soạn dự thảo luật, những người được tiếp cận bí mật nhà nước, trong thời gian còn làm nhiệm vụ, khi thôi làm nhiệm vụ và cả khi đã nghỉ hưu. Đồng thời cần quy định những biện pháp xử lý đối với những hành vi vi phạm, làm lộ, lọt bí mật nhà nước.

Đại biểu tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cho rằng tài liệu bảo vệ bí mật nhà nước độ tuyệt mật trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh có thời hạn bảo vệ trong thời gian 30 năm như trong dự luật là hơi ngắn, bởi trong lĩnh vực quốc phòng-an ninh, những tài liệu mang độ tuyệt mật là những tài liệu có nội dung đặc biệt quan trọng, chỉ phổ biến cho những người có trách nhiệm, nếu bị lộ lọt sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, tăng thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng-an ninh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) phát biểu thảo luận. Ảnh: Văn Bình.

 

Theo đại biểu Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), hiện nay do những hạn chế trong quy định nội hàm về bảo vệ bí mật nhà nước, dẫn đến thực trạng chậm công khai, công khai còn hình thức và lạm dụng bảo mật để không thực hiện công khai, minh bạch ở nhiều bộ, ngành, địa phương.

“Đặc biệt, có địa phương còn đóng dấu mật cả vào biên bản chất vấn của đại biểu Quốc hội khiến cho đại biểu không thể giải quyết các kiến nghị của nhân dân”, đại biểu Lê Thị Nga cho biết.

Đại biểu đánh giá việc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước có thể dẫn đến hậu quả ảnh hưởng đến nhà nước, công dân và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống tham nhũng; người dân có thể vào tình trạng dễ bị quy chụp. Một số cá nhân, báo chí, thậm chí cán bộ nhà nước... có thể vướng vào vòng lao lý trong các trường hợp các văn bản nhà nước quy định không rõ ràng.

Do đó, đại biểu nhấn mạnh, các quy định được xây dựng trong dự luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp; bảo đảm quyền lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân; bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, báo chí;... Cùng với đó, phải giải thích rõ khái niệm, các tiêu chí, căn cứ để xác định thế nào là mật, tuyệt mật, tối mật để tránh sự tùy tiện trong áp dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước và công dân.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP Hà Nội) thì cho rằng, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, nhất là thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, thì đây chính là giai đoạn đầy thách thức đối với công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Trong khi đó, theo đại biểu TP Hà Nội, Điều 4 dự luật về nguyên tắc bảo vệ bí mật nhà nước còn chung chung, chưa có sự bảo đảm thực chất.

“Thực tế, trong thời đại công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc lộ lọt bí mật nhà nước không còn từ các phương thức thủ công truyền thống mà chỉ từ một con chip bé nhỏ cũng sẽ tự động thu thập thông tin dữ liệu chuyển về cho các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài”, đại biểu cho biết.

“Phải chăng đây chính là nguyên nhân gây lộ, lọt bí mật thông tin nhà nước mà trong thời gian qua chưa được xem xét, chấn chỉnh?”, đại biểu đặt câu hỏi và đề nghị bổ sung vào điều 4 dự thảo luật về nguyên tắc bí mật nhà nước hai khoản mới. Đó là việc cung cấp thiết bị, phương tiện để thực hiện bí mật nhà nước phải bảo đảm công nghệ hiện đại, được sản xuất tại cơ sở tuyệt đối an toàn của Việt Nam. Bên cạnh đó, thực hiện cơ chế kiểm soát đặc biệt đối với các thiết bị, phương tiện điện tử có khả năng phát tán, thu thập dữ liệu, gây lộ, lọt bí mật nhà nước. Song song với đó, phải coi trọng yếu tố công nghệ trong hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước; đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan, tổ chức cá nhân trong nước quan tâm hơn nữa đến việc nghiên cứu, đầu tư sản xuất kinh doanh các phương tiện điện tử công nghệ cao để phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

Trên cơ sở đề xuất này, đại biểu cũng đề nghị bổ sung khoản mới vào điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm là tùy tiện cung cấp, sử dụng trái pháp luật các thiết bị điện tử có khả năng phát tán, thu thập dữ liệu, làm lộ lọt bí mật nhà nước.

Đại biểu cũng đề nghị, trong xu hướng cải cách hành chính mở rộng, công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp về tiếp cận thông tin, cần hạn chế tối đa phạm vi bí mật nhà nước và danh mục bí mật nhà nước. Vì vậy, việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, ban hành danh mục của bí mật nhà nước như điều 10, khoản 4 dự thảo luật là không phù hợp. Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn trong luật này.

Còn theo đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Thanh Hóa), phân loại bí mật nhà nước là cơ sở quan trọng để nhà nước, các bộ, ngành địa phương ban hành danh mục bí mật nhà nước theo quy định. Tuy nhiên đại biểu nêu, dự thảo Luật chưa có quy định, tiêu chí cụ thể để xác định mức độ nguy hại như thế nào là đặc biệt nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và nghiêm trọng. Điều này dễ dẫn đến tình trạng có nhiều cách hiểu khác nhau, áp dụng không thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương về việc xác định danh mục bí mật nhà nước.

Báo cáo giải trình tại phiên họp, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước có vị trí quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc gia. Việc lộ, lọt bí mật nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng đến chính trị, kinh tế, ngoại giao, an ninh-quốc phòng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cần tiếp tục được hoàn thiện về tên gọi, bố cục của dự thảo Luật; làm rõ nội dung của các quy định về khái niệm, phạm vi bí mật nhà nước, về giải mật... để bảo đảm tính khả thi trên thực tiễn.

NGUYỄN THẢO