 |
Xe hoa của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố tham dự Lễ thắp nến cầu nguyện vì hòa bình tại Đại lễ Phật đản LHQ-2008. |
* Tuyên bố Hà Nội Đại lễ Phật đản LHQ 2008 tại Việt Nam
* Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến dự và phát biểu
QĐND – Ngày 16-5, ngày làm việc thứ 3 và Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (LHQ) – 2008 đã diễn ra trọng thể. Các đồng chí: Phạm Gia Khiêm, Phó thủ tướng Chính phủ; Huỳnh Đảm, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, Phạm Thế Duyệt, Nguyên Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam, cùng nhiều đại biểu thay mặt Nhà nước, Chính phủ nước chủ nhà Việt Nam đến dự Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản LHQ – 2008.
Buổi sáng, sau khi kết thúc buổi tụng kinh, các đại biểu đã dành gần một giờ để thảo luận về chuyên đề đặc biệt: "Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số". Trên cơ sở chuyên đề đặc biệt, các nhóm hội thảo, đã cùng nhau phân tích nhiều chuyên đề như: "Cơ hội và thách thức đối với Phật giáo"; “Làm thế nào đưa được tinh thần Từ bi, Hỉ xả của Phật giáo tới mọi tầng lớp nhân dân bằng con đường Internet"; “Tam Tạng kinh điển cho thế kỷ 21 - Sự phát triển của kinh điển Phật giáo Sankrit dạng điện tử"; “Quan sát những điểm xanh – Một cách nhìn mới về kinh tạng kỹ thuật số Phật giáo”; “Những thành tựu và thách thức”… Các ý kiến tại buổi thảo luận nhóm đã nêu bật vai trò, ý nghĩa cũng như những thách thức của Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số hiện nay.
Buổi chiều, các đại biểu đã nghe thuyết trình đặc biệt về chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo về kinh tế và phát triển phúc lợi”. Thuyết trình nhấn mạnh vai trò của Phật giáo đối với việc phát triển kinh tế thông qua những giáo lý tích cực của Phật pháp; những việc làm của Phật giáo trong việc cùng với nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội…
Chiều cùng ngày, Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản LHQ - 2008 đã diễn ra trong không khí trọng thể và linh thiêng. Thay mặt Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ-2008, GS-TS Lê Mạnh Thát đọc bản Tuyên bố Hà Nội Đại lễ Phật đản LHQ – 2008 tại Việt Nam (toàn văn tuyên bố được đăng trên số báo ngày hôm nay). Đại Đức Thích Nhật Từ, Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ (IOC) tóm tắt những nội dung, hoạt động chính, đồng thời nhấn mạnh sự thành công và kết quả đạt được thông qua Đại lễ Phật đản LHQ – 2008 được tổ chức tại Hà Nội, Việt Nam lần này.
Phát biểu tại Lễ bế mạc, ngài Phan Wannamethee, Chủ tịch Hội liên hữu Phật tử Thế giới phát biểu: “Tôi rất hoan hỷ với chủ đề “Sự đóng góp của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh” của hội thảo trong Đại lễ này. Theo Giáo pháp của Đức phật, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh phát sinh từ tình bằng hữu, lòng từ bi và sự công minh của người lãnh đạo cũng như lòng khoan dung vị tha của mọi người. Hội liên hữu Phật tử Thế giới luôn khẳng định giá trị của sự cộng tác từ thành viên Phật tử trong các hoạt động vì nền hòa bình, khoan hòa và hạnh phúc thế giới dưới sự hướng đạo của Phật pháp”.
Thay mặt Nhà nước, Chính phủ nước chủ nhà Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản LHQ – 2008, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm nhấn mạnh: Ngày Phật đản LHQ ở Việt Nam trở thành ngày hội văn hóa tôn giáo chan hòa tinh thần đoàn kết dân tộc và quốc tế, nêu cao thông điệp “Hòa bình và yêu thương” trên nền tảng tư tưởng của Đức phật – bậc minh triết được nhân loại suy tôn và ngưỡng mộ. Đại lễ không chỉ là một lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế, mà còn là cơ hội tốt để thế giới hiểu biết nhiều hơn về Phật giáo Việt Nam, về văn hóa Việt Nam, về chính sách tự do tín ngưỡng, chính sách đại đoàn kết dân tộc của nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, với một nền văn hóa đa tôn giáo, đậm đà bản sắc dân tộc…
Lễ bế mạc Đại lễ Phật đản LHQ – 2008 kết thúc bằng chương trình nhạc giao hưởng Phật giáo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với sự tham gia biểu diễn của 500 nhạc công. Kết thúc chương trình nhạc giao hưởng Phật giáo, GS-TS Lê Mạnh Thát, Chủ tịch IOC đã trao tặng Bằng chứng nhận đạt kỷ lục Phật giáo Việt Nam cho chương trình nhạc giao hưởng Phật giáo và tặng Bằng khen cho 10 cá nhân là ca sĩ, nghệ sĩ có thành tích đóng góp cho Đại lễ Phật đản LHQ – 2008.
Tối cùng ngày, Lễ thắp nến cầu nguyện vì hòa bình được tổ chức trang trọng và linh thiêng tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình - Hà Nội với sự tham gia trực tiếp của hàng nghìn đại biểu, Tăng ni, Phật tử và sự hưởng ứng của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thuộc 40 tỉnh, thành phố trong cả nước. Buổi Lễ thắp nến cầu nguyện vì hòa bình gửi đến cho các Tăng ni, Phật tử và nhân dân thế giới thông điệp, cũng là Triết lý đạo Phật: “Tâm bình thế giới bình”.
* Ngày 17-5, các đại biểu sẽ tham gia các hoạt động du lịch chiêm bái thắng tích Phật giáo, danh lam thắng cảnh chùa Bái Đính (Ninh Bình), Yên Tử, vịnh Hạ Long (Quảng Ninh); Cắt băng khánh thành chùa Bái Đính; Trồng cây lưu niệm và tổ chức Lễ cầu hòa bình quốc thái, dân an…
* Ngày 16-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), đại biểu của các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 tại Việt Nam đã ra Tuyên bố Hà Nội. Nội dung của tuyên bố như sau:
Chúng tôi, đại biểu của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội thảo Phật giáo quốc tế nhân ngày Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, Việt Nam từ ngày 13 đến 17-5-2008 (PL.2552) chân thành tri ân Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bảo trợ cho Đại lễ và Hội thảo với chủ đề “Đóng góp của Phật giáo về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đồng thời nhất trí thông qua nội dung của Tuyên bố này như sau:
1. Thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực cho một thế giới hòa bình bền vững, bằng cách đề cao đối thoại, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau trong việc bảo hộ phẩm giá con người tại các quốc gia và các tôn giáo khác nhau, dưới ánh sáng từ bi và tuệ giác Phật giáo.
2. Thúc đẩy giải trừ quân bị, ngăn ngừa chiến tranh xung đột mà đặc biệt là cấm thử vũ khí hạt nhân, cấm chế tạo các loại vũ khí hóa học và sinh học cũng như ngăn chặn sự ô nhiễm đại dương và nước ngọt trên đất liền.
3. Tăng cường sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và tâm linh trên khắp thế giới nhằm giúp mọi người được hưởng chất lượng sống cao hơn.
4. Ủng hộ công bằng xã hội, dân chủ và quản trị tốt trong mọi thành phần của xã hội nhằm mang lại hòa bình và an ninh trong và giữa các quốc gia.
5. Thừa nhận rằng sự phát triển kinh tế và xã hội không thể được bảo đảm một cách bền vững khi thiếu vắng hòa bình và sự tôn trọng các quyền con người và tự do căn bản.
6. Đóng góp vào các giải pháp hành chính và pháp luật nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường ở cấp quốc gia và quốc tế, đồng thời cam kết đời sống lành mạnh và thịnh vượng trong sự hòa hợp với môi trường.
7. Khẳng định rằng sự thay đổi khí hậu và các hình thức phá hoại môi sinh khác gây thiệt hại đến phúc lợi con người, do đó, cần thực hiện cấp bách những biện pháp để giảm thiểu sự thay đổi khí hậu.
8. Nhấn mạnh việc theo đuổi các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, một khuynh hướng xã hội hiện đại vốn gây nên sự mất cân bằng sinh thái, đang làm gia tăng mối đe dọa về sự thay đổi khí hậu và thậm chí tận diệt đời sống trên hành tinh này.
9. Nhận diện và đáp ứng nhu cầu đạo đức, tâm linh của từng cá nhân, gia đình và các cộng đồng.
10. Xác định nhu cầu về các giải pháp đối với các vấn nạn xã hội toàn cầu, đặc biệt là sự đói nghèo, thất nghiệp và bất công xã hội.
11. Thừa nhận nhu cầu thường xuyên về sự hiện đại hóa chương trình giáo dục Phật pháp và thế học cho giới xuất gia và tại gia, giúp họ giải quyết được những thách đố từ các vấn nạn và khủng hoảng địa phương cũng như toàn cầu.
12. Cung ứng giáo dục căn bản và cải thiện chất lượng giáo dục, đặc biệt đối với nữ giới và các thành phần cơ nhỡ, bất hạnh để loại bỏ mọi cản trở đối với sự tham gia năng động của họ trong đời sống xã hội.
13. Thắt chặt các quan hệ gia đình bằng cách áp dụng các nguyên lý Phật giáo về sự hòa thuận, hiểu biết và lòng từ bi để tạo nên hạnh phúc cá nhân và hôn nhân bền vững.
14. Nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp hướng dẫn sử dụng công nghệ này một cách khôn ngoan nhằm phục vụ các lợi ích xã hội.
15. Cung cấp các nguồn tài liệu trên internet hầu giúp mọi người dễ dàng sử dụng rộng rãi phương tiện hiện đại này, thu hẹp sự cách biệt giữa những người trong các khu vực đã phát triển và những người trong các khu vực kém phát triển với nguồn lực hạn chế.
16. Ủng hộ các hoạt động Phật giáo quốc tế bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ năm tại Nhật Bản vào tháng 11-2008, Hội nghị của Hiệp hội các trường đại học Phật giáo thế giới, Băng Cốc, Thái Lan tháng 9-2008; các hoạt động của Hội Liên hữu Phật tử thế giới (WFB), Tổ chức Hành trình nội tại quốc tế Reiyukai (ITRI) và Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ hai tại Trung Quốc tháng 11-2008.
QĐND