QĐND - Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 có nhiều điểm mới quan trọng. Một trong những điểm mới đó là việc hiến định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia. Tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) mới đây, đề án Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được trình UBTVQH.
Thiết chế mới được quy định trong Hiến pháp
Theo PGS, TS Vũ Hồng Anh (Viện Nghiên cứu lập pháp): Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) được thành lập nhằm thể chế hóa tư tưởng chỉ đạo của Đảng trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, xây dựng cơ chế bảo đảm cho nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình.
Theo quy định của Điều 117, Hiến pháp năm 2013, HĐBCQG là cơ quan do Quốc hội thành lập, có nhiệm vụ tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Việc hiến định thiết chế HĐBCQG và giao cho Quốc hội quyết định thành lập sẽ bảo đảm nâng cao vị thế của cơ quan tổ chức bầu cử, tương xứng với ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1980, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1992, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1997 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2010 đều có các quy định về Hội đồng bầu cử Trung ương.
 |
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013. |
Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của Hội đồng bầu cử ở Trung ương nổi lên một số bất cập cần khắc phục như: Số lượng thành viên của Hội đồng bầu cử ở Trung ương chủ yếu là đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội mà chưa có sự tham gia của đại diện khối các cơ quan tư pháp, các tổ chức xã hội-nghề nghiệp v.v… Các thành viên Hội đồng bầu cử ở Trung ương đều hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Hội đồng bầu cử ở Trung ương được thành lập cho từng cuộc bầu cử và mang tính lâm thời, nên không phát huy được vai trò của tổ chức phụ trách bầu cử trong thời gian giữa các cuộc bầu cử. Một số nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng liên quan đến bầu cử lại thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác. Chưa có sự phân định rành mạch giữa hoạt động của Hội đồng bầu cử ở Trung ương và việc thực thi một số nhiệm vụ của UBTVQH trong bầu cử.
Trên cơ sở sớm luật hóa các quy định về HĐBCQG, UBTVQH đề nghị sớm thành lập HĐBCQG để tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Sau khi thông qua Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015), dự kiến Luật có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 thì tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11-2015), Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch HĐBCQG và phê chuẩn danh sách thành viên hội đồng này.
|
Độc lập, khách quan, không chồng chéo
Theo đề án HĐBCQG do UBTVQH đề xuất, HĐBCQG ngoài việc kế thừa các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử ở Trung ương hiện nay còn được bổ sung mới một số nhiệm vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, có sự phân định nhiệm vụ giữa HĐBCQG với UBTVQH, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bảo đảm tính chủ động, độc lập, khách quan của HĐBCQG trong quá trình tổ chức bầu cử.
Theo đề án, với tư cách là cơ quan tổ chức công tác bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp, HĐBCQG có những nhiệm vụ, quyền hạn chung về các cuộc bầu cử quốc gia gồm: Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền và vận động bầu cử; chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong cuộc bầu cử; kiểm tra, đôn đốc việc thi hành quy định của pháp luật về bầu cử...
Ngoài ra, HĐBCQG còn có 10 nhiệm vụ liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và 3 nhiệm vụ liên quan đến bầu cử đại biểu HĐND các cấp. Theo đó, HĐBCQG chỉ đạo và hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp. HĐBCQG cũng sẽ quyết định số lượng đại biểu HĐND được bầu của đơn vị hành chính cấp huyện có từ 30 đơn vị hành chính trực thuộc trở lên theo đề nghị của Thường trực HĐND cấp tỉnh. Kiểm tra việc tổ chức bầu cử đại biểu HĐND; hủy bỏ kết quả bầu cử đại biểu HĐND và quyết định ngày bầu cử lại ở khu vực bỏ phiếu, đơn vị bầu cử.
Để không chồng chéo với nhiệm vụ của HĐBCQG, đề án đề nghị không quy định UBTVQH là cơ quan chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội như hiện nay vì thẩm quyền này được Hiến pháp trao cho HĐBCQG. Do vậy, Đề án đề nghị quy định UBTVQH có trách nhiệm giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội, giám sát hoạt động của HĐBCQG, ấn định và công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội; dự kiến về cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương; số đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số…
Đề án cũng đề xuất không quy định Chính phủ chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu HĐND các cấp như hiện nay vì thẩm quyền này được Hiến pháp trao cho HĐBCQG. Với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, đề nghị quy định theo hướng Chính phủ có trách nhiệm tổ chức việc bầu cử đại biểu HĐND các cấp, còn HĐBCQG chịu trách nhiệm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu HĐND các cấp.
Đề án xác định cơ cấu, tổ chức của HĐBCQG phải bảo đảm cuộc bầu cử được dân chủ, công bằng, khách quan; phù hợp với nguyên tắc Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, bao gồm lãnh đạo HĐBCQG. Đề án xác định HĐBCQG gồm: Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên, trong đó có một ủy viên là Tổng thư ký. HĐBCQG có thể thành lập các ban để phụ trách các mảng công việc. Về tổng số thành viên HĐBCQG, Ban soạn thảo Đề án đề nghị quy định số lượng từ 15-21 người và cơ cấu gồm: UBTVQH (7 người), Chủ tịch nước (1 người), Chính phủ (5 người), tổ chức chính trị (1 người), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội (7 người). Nhiệm kỳ của thành viên HĐBCQG là 5 năm, không trùng với nhiệm kỳ của Quốc hội.
Hoạt động thường xuyên thay cho “lâm thời”
Về hoạt động của thành viên HĐBCQG, hiện có nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục xác định tất cả các thành viên hoạt động kiêm nhiệm như hiện nay. Tuy nhiên, có đề nghị cần đổi mới theo hướng HĐBCQG có một số thành viên hoạt động thường xuyên. Cụ thể, sẽ có khoảng 3-5 thành viên hoạt động thường xuyên, còn các thành viên khác hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm. Trong số các thành viên hoạt động thường xuyên sẽ có Phó chủ tịch Hội đồng bầu cử, ủy viên và Tổng thư ký.
HĐBCQG có thể thành lập các ban để phụ trách những mảng công tác của Hội đồng như: Ban thông tin, giáo dục; Ban nhân sự; Ban an ninh; Ban giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trưởng ban phải là thành viên của hội đồng, còn các thành viên khác có thể là các cán bộ, công chức, chuyên gia thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội...
Tại cuộc tọa đàm về kinh nghiệm bầu cử của Nhật Bản do Văn phòng Quốc hội tổ chức gần đây, chuyên gia Takamori Masaki (Cục Pháp chế của Hạ viện Nhật Bản) đánh giá cao việc Hiến pháp 2013 lần đầu tiên quy định về thiết chế độc lập HĐBCQG, coi đây là một bước tiến trong lịch sử lập hiến của Việt Nam. Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh cũng cho rằng, đối với một số nhiệm vụ mới của HĐBCQG như: Trình Quốc hội, HĐND các cấp báo cáo về việc thẩm tra tư cách đại biểu căn cứ vào kết quả bầu cử sẽ khắc phục được tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trước đây.
TS Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với quan điểm HĐBCQG là cơ quan hoạt động thường xuyên chứ không phải lâm thời như Hội đồng bầu cử Trung ương do UBTVQH thành lập trước đây.
NGUYỄN VĂN MINH