QĐND - Năm nay, cấp ủy, chính quyền địa phương A lại phát động một cuộc thi tìm hiểu về lịch sử truyền thống Đảng bộ địa phương trong toàn thể cán bộ, nhân viên, quần chúng. Từ kinh nghiệm tổ chức các cuộc thi trước đó, lần này, Ban tổ chức (BTC) cuộc thi triển khai hết sức bài bản, cụ thể. BTC quy định rõ mỗi tác phẩm dự thi phải bảo đảm dung lượng ít nhất 10 tờ giấy A4 trở lên; bắt buộc đối tượng tham dự cuộc thi phải viết tay (cả hai mặt giấy) để thực hành tiết kiệm và tránh tình trạng sao chép lẫn nhau.

Nhờ tinh thần, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ trong BTC, sau vài tháng triển khai quyết liệt, cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên, quần chúng tham gia. BTC nhận được hơn 2000 tác phẩm dự thi đúng quy cách thể lệ cuộc thi, có hình thức bắt mắt. Nhiều tác phẩm đóng bìa cứng, sử dụng giấy thơm, có hình ảnh, tư liệu minh họa… khá sinh động.

Được một cán bộ địa phương “khoe” về thành quả của cuộc thi, tôi phấn chấn bày tỏ sự thán phục về công tác tổ chức, đồng thời chủ động lật giở một số tác phẩm để “thưởng thức”. Thế nhưng, càng lật giở nhiều trang, càng đọc nhiều tác phẩm dự thi thì niềm vui ban đầu lại nhường chỗ cho nỗi băn khoăn ngày càng lớn. Quả là không khó để phát hiện ra các tác phẩm dự thi đều có nội dung na ná giống nhau. Thậm chí, nhiều đơn vị, cơ quan lượng bài dự thi lên đến con số 40-50 tác phẩm nhưng có vẻ 100% bài thi đều được “sản xuất từ một lò”; giữa các tác phẩm chỉ khác nhau ở cái tên của tác giả và không sai lệch nhau dù chỉ là một dấu chấm. Thấy vậy, tôi thắc mắc với một đồng chí trong BTC cuộc thi. Thật bất ngờ, đồng chí này cười phá lên: “Hoạt động quần chúng mà. Chúng tôi tổ chức để quần chúng tham gia cho có phong trào như vậy là đã thành công rồi. Theo tôi, mọi người chép bài thi lẫn nhau cũng là một cách đọc, học lịch sử truyền thống địa phương”.

Hiểu ý đồng chí cán bộ nọ, tôi tiếp lời: “Vâng! Nếu mỗi người đều trực tiếp chép bài dự thi của mình thì cũng “tốt”. Thế nhưng, thực tế có vẻ không phải vậy. Tôi thấy rất nhiều tác phẩm có nét chữ viết tay giống nhau y đúc. Hình như ở nhiều nơi, cơ quan, đơn vị có trường hợp, một người chép bài cho nhiều người”.

Nghe tôi nói vậy, đồng chí cán bộ địa phương bỗng giật mình. Ngay lập tức, anh này triệu tập cuộc họp BTC, chỉ đạo việc khảo sát, “điều tra” về thái độ, trách nhiệm tham gia cuộc thi ở tuyến cơ sở. Kết quả cho thấy, ở nhiều cơ quan, đơn vị, công việc này được “khoán” cho một số cá nhân có khả năng viết chữ đẹp. Suốt thời gian diễn ra cuộc thi, các đồng chí đó được miễn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn để chép bài dự thi cho toàn đơn vị. Nơi khác, sáng tạo hơn, cơ quan thành lập “tổ công tác đặc biệt” gồm 3 đến 5 người, có nhiệm vụ nghiên cứu, trực tiếp chép bài cho vài chục người.

Giải thích về tồn tại này, lãnh đạo một đơn vị cơ sở thẳng thắn chia sẻ: Vì đây là một cuộc thi hình thức, nên người tham gia cũng chỉ coi trọng hình thức của tác phẩm dự thi mà thôi. Trên thực tế, nếu mỗi người trực tiếp chép hết 10 tờ A4 (cả hai mặt giấy) thì chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian, trong khi nhiệm vụ chính trị và chuyên môn vào thời điểm cuối năm khá nặng, với nhiều đầu việc cần kíp phải giải quyết... Nhận định như vậy nên lãnh đạo đơn vị thống nhất: Không thể để việc tham gia một cuộc “thi… chép” lại gây ảnh hưởng đến chất lượng hoàn thành nhiệm vụ chính trị được (!)

NGUYỄN TẤN TUÂN