QĐND - Công tác xây dựng Đảng là nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín của Đảng. Tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng ta nhận thức sâu sắc. Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể để thực hiện tốt nội dung này. Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, trong Mục XV “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng”, phần phương hướng, nhiệm vụ xác định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”(1).

Các văn kiện trước đây của Đảng ta đều xác định “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức”. Như vậy, sự bổ sung thành tố “đạo đức” vào nội hàm của công tác xây dựng Đảng là nét mới; là nội dung rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng: Trước đây, sở dĩ trong công tác xây dựng Đảng không (hoặc chưa) đề cập cụ thể, nhưng “đạo đức” được thể hiện ngay chính nội dung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Thế nhưng, lần này Trung ương chỉ rõ hơn sự quan trọng của thành tố này là vì:

Thứ nhất, Đảng ta tiếp tục quán triệt, vận dụng sâu sắc tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của nhân tố đạo đức trong công tác xây dựng Đảng. Trong bài phát biểu nhân kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (năm 1960), Người chỉ rõ: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(2). Để Đảng Cộng sản Việt Nam-Đảng ta là đạo đức, là văn minh, theo tư tưởng của Bác Hồ, trong công tác xây dựng Đảng, việc bổ sung thành tố “đạo đức” ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức là hoàn toàn phù hợp, thể hiện sự kế thừa trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Trong rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(3). Đạo đức cách mạng của Đảng thể hiện sự kết tinh, hội tụ đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đạo đức ấy không tự nhiên có được mà phải trải qua quá trình rèn luyện bền bỉ, nghiêm túc. Sự bổ sung thành tố này làm cho việc tăng cường rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng... không còn chỉ dừng lại ở mục tiêu, nhiệm vụ của mỗi cá nhân mà còn là nguyên tắc, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng, từ đó góp phần quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.

Thứ hai, xây dựng Đảng về đạo đức là nhu cầu tất yếu, tự thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thực tế cho thấy, để Đảng thực sự xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhiệm sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn, quan trọng hơn trong sự nghiệp đổi mới, thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để đưa nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại...; vinh dự và trọng trách vẻ vang đó đòi hỏi Đảng ta phải được xây dựng vững mạnh về đạo đức. Bởi vì, có như vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam với đội ngũ cán bộ, đảng viên mới khẳng định được uy tín trước quần chúng, mới tạo ra sức hút để tập hợp, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh của quần chúng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Thứ ba, xuất phát từ thực trạng công tác rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua, đã: “Coi trọng hơn nhiệm vụ xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; tập trung chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”(4). Nhờ vậy, đạo đức của đại bộ phận đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên được rèn luyện, trau dồi, phát huy được vai trò gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, góp phần quan trọng tạo uy tín cho Đảng, gây được thiện cảm tốt, gắn bó máu thịt với nhân dân. Tuy nhiên, “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp”(5), Nghị quyết 12-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) ngày 16-1-2012 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”(6).

Những yếu kém, hạn chế đó làm “băng hoại” uy tín, vai trò, trách nhiệm của Đảng đối với quần chúng nhân dân. Việc bổ sung thành tố “đạo đức” vào nội dung công tác xây dựng Đảng là giải pháp hữu hiệu để Đảng tiếp tục phát huy những ưu điểm, nhưng điều quan trọng hơn hết là kịp thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về “đạo đức”, trên cơ sở đó phát huy tốt vai trò tiên phong và là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đem lại cuộc sống ngày càng ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Thứ tư, trước diễn biến phức tạp của tình hình, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, chúng không từ bỏ âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tăng cường chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân; cùng với đó là sự tác động mặt trái của kinh tế thị trường.

Từ những lý do trên đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải bổ sung thành tố “đạo đức” cùng với “chính trị, tư tưởng, tổ chức” vào nội dung của công tác xây dựng Đảng. Sự bổ sung này sẽ thực sự góp phần tạo ra sự chuyển biến về chất “từ bên trong” để Đảng tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu trong điều kiện đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chủ động, tích cực hội nhập vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

-----------------

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, tr.84.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2011, tr.403.

(3) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2011, tr.612.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.161.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.173.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4, khóa XI, Nxb CTQG-ST, H.2012, tr.22.

TS NGUYỄN VĂN SÁU - Phó chủ nhiệm Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Chính trị.