Pentabromodiphenyl ether

Phát biểu tại hội nghị triển khai Công ước Stockhom tại Việt Nam, ngày 21-9, Tiến sĩ Trần Hồng Hà, Cục trưởng Cục bảo vệ môi trường, cho biết: Việt Nam đang xem xét 5 hoá chất để bổ sung vào danh sách các chất thải nguy hại (POPs) cần kiểm soát gồm: pentabromodiphenyl ether, Chlordecone, Hexabromobiphenyl, Lindane và Perfluorooctane sulfonate.

Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stockhom từ năm 2002 và ban hành Quyết định 184/2006/QĐ-TTg về kế hoạch hành động quốc gia với các chất POPs, đã góp phần quản lý chặt chẽ hơn các chất POPs. Đó là xây dựng thể chế chính sách, tăng cường năng lực quản lý cho các cán bộ chuyên môn, điều tra nghiên cứu và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Đặc biệt, từ năm 2007, Chính phủ đã chi 1% ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường nói chung và tăng nguồn vốn đầu tư cho quản lý chất POPs nói riêng.

Việt Nam cũng đã điều tra thống kê được các chất Dioxin và Furan, PCB (chất có độc tính cao, khó phân huỷ, lan truyền rộng và tích luỹ sinh học). Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng: thực tế triển khai Quyết định 184 ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn, như thiếu các quy định quản lý các chất POPs phát sinh tại nguồn, chưa có biện pháp xử lý hữu hiệu và phù hợp với tình hình thực tế để giải quyết tận gốc các chất POPs; Chưa có tiêu chuẩn môi trường làm cơ sở để quản lý an toàn và tiêu huỷ các chất POPs cũng như về việc quản lý chất POPs chưa được triển khai và quan tâm một cách đúng mức về bố trí nguồn lực và quan điểm chỉ đạo các chất POPs...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Nam Định, cần tổ chức các khoá tập huấn cho các cán bộ chuyên theo dõi về vấn đề môi trường cấp cơ sở, doanh nghiệp, cộng đồng; tổ chức điều tra, kiểm kê, phân loại và thu thập các thông tin liên quan đến các chất POPs ngay từ các đơn vị sử dụng, lưu trữ vật tư nông nghiệp, các đơn vị sửa chữa, sản xuất tụ điện, biến thế trong các ngành công nghiệp, các lò đốt rác thải...

Phương Anh