Ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Theo Internet

Thành phố Hồ Chí Minh chọn chủ đề của năm 2008 là “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Vấn đề này đã và đang được bàn bạc và chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao...

“Nóng” trên bàn nghị sự

Ngay từ lúc việc lựa chọn chủ đề cho năm 2008 mới chỉ là ý tưởng, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý và đại diện cử tri đã bày tỏ sự lo ngại. Năm 2007 lãnh đạo Thành phố đã đề ra nhiều chương trình, cuộc vận động, bằng những nghị quyết, chỉ thị, quyết định... nhằm lập lại trật tự giao thông, chống ngập nước, chống ô nhiễm môi trường... nhưng phần lớn các chương trình đều không đạt được kết quả như mong muốn, trong đó, một số chương trình đã bị “phá sản”.

Điển hình là “cuộc chiến” chống lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè. UBND Thành phố giao các quận, huyện, phải hoàn thành trước ngày 15-10-2007, song cho đến nay vẫn... lực bất tòng tâm. Chương trình bố trí học lệch ca, lệch giờ nhằm hạn chế ùn tắc giao thông cũng tương tự. Trong bối cảnh đó, đặt vấn đề xây dựng nếp sống văn minh đô thị thành chủ đề hành động của một năm, xem ra có vẻ “mạo hiểm”, vì muốn có văn minh đô thị thì những yếu tố bảo đảm về hạ tầng đô thị cũng phải được cải thiện. Nếu không, rất dễ rơi vào tình trạng... khẩu hiệu suông. Một số đại biểu UBMT Tổ quốc Thành phố cho rằng: Chỉ nên chọn một vấn đề bức xúc nhất, như ùn tắc giao thông chẳng hạn, để làm chủ đề trong năm và tập trung mọi nguồn lực để giải quyết...

Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm và thống nhất cao, việc lấy chủ đề năm 2008 là “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” đã trở thành một chủ trương lớn của lãnh đạo Thành phố và đã được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp thứ 12, khóa VII. Tiếp đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 147/2007/QĐ-UBND ngày 28-12-2007 và kế hoạch triển khai “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Theo đó, trọng tâm của “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” là tập trung tạo chuyển biến căn bản về ý thức chấp hành Luật Giao thông, trật tự an toàn giao thông và thực hiện nếp sống văn minh nơi công cộng. UBND Thành phố sẽ mở cuộc vận động lớn về “Toàn dân chấp hành nghiêm pháp luật và trật tự an toàn giao thông đường bộ” với những nội dung: Không vi phạm Luật Giao thông, không đua xe trái phép, không lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, 100% người dân đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy. Cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh” cũng sẽ tiến hành song song, với những nội dung: Chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa trên đường phố và ở nơi công cộng, xây dựng thái độ ứng xử văn minh, kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường, ngăn chặn tệ nạn xã hội...

Trao đổi với các nhà báo tại kỳ họp HĐND Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND Thành phố nhấn mạnh: Việc triển khai thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị chính là nhằm từng bước xây dựng hình ảnh Thành phố Hồ Chí Minh đẹp hơn trong mắt bạn bè quốc tế, khắc phục những khoảng cách về nếp sống văn minh giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các thành phố tiên tiến, văn minh trên thế giới trong thời hội nhập. Chủ tịch UBND Thành phố Lê Hoàng Quân cũng cho biết: Nội dung “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” được triển khai trên nhiều lĩnh vực, liên quan đến tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố. UBND Thành phố đã phân công các đồng chí Phó chủ tịch UBND Thành phố phụ trách từng lĩnh vực, chỉ đạo lập kế hoạch triển khai cụ thể.

Cuộc đối thoại trực tuyến “Nói và làm” đầu tiên trong năm 2008 giữa lãnh đạo Thành phố với nhân dân, cũng đã chọn chủ đề “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Với tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, cầu thị... các ý kiến tham gia đối thoại không chỉ là giải đáp những thắc mắc, mà đã tích cực hiến kế giúp lãnh đạo Thành phố xây dựng, hoàn thiện các phương án lãnh đạo, chỉ đạo đối với “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”...

“Nguội” trên thực tế...

Trả lời câu hỏi tại chương trình đối thoại “Nói và làm” về tính khả thi và hiệu quả của phong trào, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND Thành phố khẳng định: Xây dựng nếp sống văn minh đô thị là vấn đề rất khó. Để đạt được hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực đồng bộ, sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm của tất cả các cấp, các ngành, và đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ của mọi người dân. Thách thức lớn nhất của việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị là làm sao tạo chuyển biến đồng bộ ý thức người dân. Chương trình có thành công hay không, là do người dân quyết định.

Chia sẻ kinh nghiệm với lãnh đạo và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ông Jimmy Chua Tin Chew, Tổng lãnh sự Xin-ga-po và ông Pravit Chaimongkol, Tổng lãnh sự Thái Lan tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Để xây dựng thói quen nếp sống văn minh, cần phải thực hiện kiên trì, bền bỉ, kết hợp nhiều biện pháp, trong đó tuyên truyền giáo dục là yếu tố quan trọng hàng đầu, đi kèm là các chế tài xử phạt nghiêm minh. “Tại Xin-ga-po, hành vi xả rác sai qui định sẽ bị phạt một khoản tiền rất lớn. Vi phạm lần đầu phạt 500 đô la Xin-ga-po. Nếu tái phạm, ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị buộc phải làm vệ sinh khu vực họ thải rác ra. Xử phạt nghiêm minh sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác giáo dục.”- Ông Chew nói.

Các nhóm giải pháp được lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh xác định cho “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” tạo thành “thế chân kiềng”. Đó là kết hợp chặt chẽ giữa xây, chống và... xử phạt. Ngành giáo dục thành phố sẽ đổi mới, bổ sung nội dung chương trình giáo dục đạo đức công dân, đưa những nội dung về xây dựng nếp sống văn minh đô thị vào trường học.

Theo các nhà quản lý, bức xúc nhất hiện nay là ý thức chấp hành Luật Giao thông – “văn hóa giao thông” của người dân đô thị. Những giải pháp lập lại trật tự an toàn giao thông tiếp tục được triển khai quyết liệt, trong đó việc tăng cường thêm 1.000 CSGT và sự tham gia của các lực lượng: DQTV, dân phòng, thanh niên tình nguyện... được coi là bước đột phá mạnh mẽ trong năm 2008. Theo Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an Thành phố Hồ Chí Minh: Công an thành phố đang triển khai chương trình tập huấn cho lực lượng CSGT về văn hóa ứng xử, giao tiếp, xây dựng một lực lượng vừa thực thi nghiêm pháp luật, vừa thân thiện trong giao tiếp, đi tiên phong trong xây dựng “văn hóa giao thông”.

Năm 2008 đã qua đi nửa tháng đầu tiên. Trong lúc “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị” đã và đang “nóng” trên bàn nghị sự, thì thực tế đời sống xã hội xem ra vẫn còn... “nguội”. Bằng trực quan, nhiều người cùng chung cảm nhận với tôi rằng, chưa có dấu hiệu nào cho thấy, Thành phố Hồ Chí Minh đang bắt đầu thực hiện một phong trào lớn liên quan đến đời sống của hàng triệu người. Dạo quanh các khu vực ở trung tâm thành phố, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên, bởi một phong trào lớn như thế mà trên các tuyến đường phố chưa thấy có pa-nô, khẩu hiệu nào cổ động về xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Ngay cả ở các cơ quan, công sở, công tác tuyên truyền, cổ động cũng còn im ắng.

Đành rằng, một chương trình lớn liên quan đến toàn bộ đời sống xã hội, không thể đòi hỏi có đáp số trong ngày một, ngày hai, song có thể thấy công tác tuyên truyền, cổ động vào cuộc khá chậm và thiếu đồng bộ. Trong lúc lẽ ra vấn đề này phải đi trước một bước, để đưa chương trình sớm đi vào cuộc sống...

PHAN TÙNG SƠN