Dấu ấn lập hiến, lập pháp và giám sát tối cao

Là phiên thảo luận theo kiểu “chúng ta nói về chúng ta”, hầu hết các ý kiến đều thể hiện tình cảm và ấn tượng mạnh mẽ về một nhiệm kỳ Quốc hội đổi mới đồng bộ, toàn diện, phát huy tốt trách nhiệm trước cử tri và nhân dân trên cả 3 mặt công tác: Lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Là người phát biểu đầu tiên, đại biểu Huỳnh Văn Tiết (TP Cần Thơ) đánh giá cao kết quả của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bởi ngoài việc ban hành được Hiến pháp năm 2013, thì đây là nhiệm kỳ thông qua nhiều đạo luật nhất. Đại biểu cũng khẳng định, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng đã có nhiều đổi mới, đã đi vào chiều sâu, mang tính đối thoại, dân chủ, thẳng thăn. Quốc hội đã chất vấn cả Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Chính phủ, trưởng ngành”.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường trong phiên họp ngày 28-3. Ảnh: VĂN BÌNH 

Cũng đến từ phương Nam, đại biểu Trần Quốc Tâm (Sóc Trăng) đánh giá Bản báo cáo đánh giá nhiệm kỳ của Quốc hội là “rất kỹ” và đã “thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề của đất nước”. Đề cập đến cảm tưởng sau một nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, vị đại biểu là doanh nhân này bày tỏ sự tự hào và trăn trở: “Tự hào vì được vinh dự nhấn nút thông qua bản Hiến pháp năm 2013, đã được tham gia xây dựng một khối lượng luật, bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật khổng lồ. Trăn trở vì trong nhiệm kỳ vẫn còn nhiều điều chưa làm được và nhiệm kỳ tới sẽ còn nhiều thách thức”. 

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu cảm xúc: Một nhiệm kỳ 5 năm chưa phải là dài, nhưng đã thể hiện rõ hình ảnh của một Quốc hội vì dân. Chất lượng Quốc hội không ngừng nâng lên sau mỗi kỳ họp. Các dự án luật, báo cáo chuyên đề, báo cáo thẩm tra ngày càng có chất lượng. Đại biểu Đà Nẵng này cũng cho rằng, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội là rất thiết thực và đi thẳng vào vấn đề. Tuy nhiên, đề cập đến công tác xây dựng pháp luật, đại biểu Huỳnh Nghĩa thấy còn thiếu tập trung, chắp vá, có biểu hiện lợi ích cục bộ trong làm luật. Do đó, đại biểu thẳng thắn đề nghị: “Yêu cầu quy rõ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan soạn thảo làm luật chưa chất lượng”. Liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu đánh giá là “chưa thực chất”, và kiến nghị thay bằng ba mức tín nhiệm như hiện nay thì chỉ nên lấy hai mức là “tín nhiệm” hay “không tín nhiệm”.

Các đại biểu cũng nhất trí với những tồn tại mà dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội nhiệm kỳ 2011-2016 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày, trong đó một số đạo luật còn có quy định chưa phản ánh đầy đủ, sát thực nhu cầu cuộc sống nên hiệu quả điều chỉnh và tính khả thi không cao. Một số quy định vẫn còn mang tính nguyên tắc chung nên khi triển khai thực hiện vẫn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Giữa các văn bản khác nhau vẫn còn có trường hợp quy định thiếu tính thống nhất. Công tác chuẩn bị đối với một số dự án luật chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng văn bản trình Quốc hội. Đồng tình với đánh giá trên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) khẳng định, sở dĩ để xảy ra những tồn tại trên là chưa có biện pháp xử lý người đứng đầu. Vì vậy, đại biểu đề nghị, nếu không thực hiện đúng tiến độ soạn thảo dự án luật, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan soạn thảo.

Liên quan đến chất lượng luật, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cũng thẳng thắn cho rằng, cần đánh giá sâu hơn các văn bản quy phạm pháp luật, bởi có những luật chưa phản ánh thực tiễn cuộc sống. Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội là minh chứng rõ nhất về vấn đề này. Bởi “đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, một điều luật chưa có hiệu lực thi hành đã phải điều chỉnh. Sau đó, Quốc hội phải ban hành nghị quyết điều chỉnh cho phù hợp hơn”. Cũng đề cập đến chất lượng luật, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đánh giá, sau hai năm thực hiện Hiến pháp, nhưng vấn đề giám sát Hiến pháp là “có vấn đề” và “nhiều nội dung chúng ta chưa làm được”. Nhắc đến “sự cố” Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội, theo đại biểu Kiên là “có trách nhiệm của chính chúng ta”. Vì thế, Quốc hội cũng phải chia sẻ trách nhiệm với Chính phủ, với các cơ quan điều hành. “Chúng ta cũng cần rút kinh nghiệm”, đại biểu nói.

Những kiến nghị, nỗi niềm và đôi điều nhắn gửi

Mặc dù ví von “Báo cáo nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội như một bức tranh đẹp”, nhưng đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) vẫn khẳng khái chỉ ra rằng, nhiều bức xúc, quan tâm của nhân dân không được đưa vào luật. Chẳng hạn như Luật Đất đai, nhiều đại biểu đề nghị nên quy định trong luật là cho thuê đất lâu dài, nhưng đã không được chấp nhận. Nay nông dân bỏ ruộng mới thấm thía điều này... 

Nhiều đại biểu cũng đã chỉ rõ những tồn tại cố hữu, những yếu điểm cần khắc phục để hình thành một Quốc hội hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, củng cố mạnh mẽ hơn vị thế của một cơ quan quyền lực tối cao, quyết định những vấn đề mang ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh đất nước. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tâm sự, trong kỳ họp cuối cùng này, từng đại biểu đều nhận thấy ưu - khuyết điểm của mình. Góp ý cụ thể, đại biểu Nguyễn Thái Học thẳng thắn cho rằng, là đại biểu Quốc hội phải có bản lĩnh, có chính kiến, thống nhất giữa nói và làm, nhưng kỹ năng của một số đại biểu chưa cao, chưa thẳng thắn, một số đại biểu phát biểu chưa kín kẽ, có đại biểu chưa thực hiện được lời hứa của mình với cử tri...

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) học cách thể hiện của các cơ quan báo chí dịp cuối năm là nêu “10 dấu ấn tiêu biểu của Quốc hội khóa XIII”, đó là: Cơ cấu đại biểu hợp lý; lần đầu tiên có tòa nhà Quốc hội riêng; Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ; hoạt động lập hiến, lập pháp theo hướng mở rộng dân chủ; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thực hiện tốt giám sát tối cao, lấy phiếu tín nhiệm; Tổ chức thành công Hội nghị Liên nghị viện thế giới; Kỷ niệm 70 năm bầu Quốc hội Việt Nam; Quốc hội có kênh truyền hình riêng; Quốc hội có Tổng thư ký”.

Cũng mang tính đánh giá về cả nhiệm kỳ, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), khái quát Quốc hội khóa XIII đã thực hiện được 4 chữ “hơn” so với các khóa trước. Đó là Quốc hội đã đổi mới mạnh mẽ hơn; thảo luận và ra các quyết sách dân chủ hơn; trách nhiệm hơn với cử tri; được cử tri tín  nhiệm hơn. Gửi gắm đôi điều về Quốc hội khóa tới, đại biểu ở Thành phố mang tên Bác cho rằng, đại biểu chuyên trách là tốt nhưng chuyên nghiệp mới là quan trọng; nếu tiếp tục công chức hóa như đang làm thì chỉ tăng đại biểu Quốc hội chứ không tăng hiệu quả.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nêu chính kiến: “Qua theo dõi, tôi thấy chỗ này nhân dân phấn khởi, chỗ kia lại băn khoăn. Hình như Quốc hội chưa đánh giá được cử tri của mình. Tôi cho rằng bên cạnh kênh truyền thông, Quốc hội nên có các kênh của mình để đánh giá được cử tri”. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề xuất, để nâng cao vai trò của Quốc hội, phải gắn trách nhiệm của đại biểu với cử tri nơi ứng cử, phải nói tiếng nói của cử tri, phải làm được gì cho cử tri. Còn đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) gửi gắm tới Quốc hội khóa sau, rằng nên khuyến khích các đại biểu đi cơ sở. Theo đại biểu: "Tất nhiên đi phải không gây phiền hà cho cơ sở, tránh để dân bảo Quốc hội chỉ ngồi trong phòng lạnh”.

Kết thúc phiên thảo luận ngày 28-3, đã có 43 đại biểu phát biểu ý kiến. Hôm nay (29-3), Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường.

Ngoài việc thông qua Hiến pháp năm 2013, tính đến hết kỳ họp thứ 10 (kết thúc vào tháng 11-2015), Quốc hội khóa XIII đã ban hành 100 luật, bộ luật. Dự kiến tại kỳ họp thứ 11 này, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua 7 dự án luật.  Được biết, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Quốc hội thông qua được 84 luật, bộ luật; nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII thông qua được 67 luật, bộ luật. Sau hơn 2 năm kể từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. (Nguồn: Văn phòng Quốc hội)

LÊ THIẾT HÙNG