Đã có biết bao bài viết về tấm gương của chị, người chiến sĩ, bác sĩ có cái tên mà cả nước và thế giới biết đến-liệt sĩ, anh hùng Đặng Thùy Trâm. Đón Tết trong niềm vui của đất nước đổi mới và hội nhập, chúng ta cùng trở về với những trang nhật ký mùa xuân của chị.

Hình ảnh xuyên suốt những trang nhật ký của người con gái Hà Nội ấy là sự yêu thương và cống hiến cho Tổ quốc. Mùa xuân về trên mảnh đất Đức Phổ khói lửa ấy trong sự cảm nhận của chị là sự thấu hiểu về những đau thương mất mát của chiến tranh, của muôn vạn đồng bào, đồng chí và quyết tâm chiến đấu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Giao thừa năm Kỷ Dậu (1969) chị viết: “Đã thực sự là giao thừa chưa. Giao thừa của những ngày đau thương, khói lửa với những ngày hòa bình, hạnh phúc”. Chị đã khóc khi nghe những lời Bác Hồ chúc Tết: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập-Vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đấy-lời kêu gọi của Bác, của Mẹ Đất nước. Chị hiểu: “Đất nước âm thầm lặng lẽ nhưng sục sôi trong sự chuẩn bị. Đó phải chăng là sự mang nặng, đẻ đau của một người mẹ sinh một đứa con to khỏe, mập mạp”. Trong tiềm thức của người con gái ấy luôn đau đáu một nỗi nhớ gia đình, nhớ Hà Nội da diết “Mình ước ao khao khát được sống bên ba, má và cả tổ ấm gia đình, muốn làm nũng với mẹ như những ngày còn bé bỏng, thơ ngây”. Nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả của con người, cả những ước mơ bình dị như thế. Chị đã xác định: “Hãy dẹp đi mọi nhớ thương đang cháy bỏng trong lòng để tập trung vào công tác, tiếng súng ngoài kia đã nổ, bắt đầu báo hiệu một mùa xuân đại thắng”.

Giao thừa Tết Canh Tuất (1970)-một đêm mùa xuân, mưa xuân rơi ướt trên mái tóc, chị viết: “Bốn năm xa nhà, giao thừa thứ tư sống xa người thân yêu. Hà Nội ơi! Đêm nay Hồ Gươm người vẫn chen vai, Tháp Rùa vẫn lung linh ánh điện. Nhưng ta biết Hà Nội của ta niềm vui không thể trọn vẹn. Trái tim còn một nửa rớm máu thì làm sao vui cho đành”. Canh cánh trong lòng chị một ước mơ cháy bỏng cho ngày độc lập, tự do cho đất nước, cho nhân dân và chị đã nguyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho khát vọng đó: “Mình đã nguyện dâng trọn tuổi xuân cho đất nước, dù có hy sinh, nào có gì là hối tiếc”. Và chị đã chiến đấu và hy sinh ở tuổi đẹp nhất của đời người.

Thùy Trâm ơi! Chị đã không thể sống để chứng kiến ngày cả nước ca khúc khải hoàn độc lập, thống nhất và hôm nay đang đổi thịt, thay da với niềm vui như ước mong, khát khao của thế hệ chị. Được đón Tết trong ấm no, đầy đủ, chúng tôi càng thấu hiểu hơn những giá trị to lớn, vĩ đại mà lớp lớp cha anh đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, máu xương để giành được. Nguyện giữ chắc tay súng bảo vệ cho những mùa xuân mãi mãi xanh tươi, hòa bình, hạnh phúc.

NGUYỄN VĂN THỦY