QĐND Online - Ngày 29-3-1972, Trung đoàn Tên lửa 275 (Quân chủng PK-KQ) đã bắn rơi tại chỗ máy bay AC-130, một loại máy bay Mỹ chuyên sử dụng để săn lùng, tiêu diệt các xe vận tải của ta chạy trên tuyến đường phía tây Trường Sơn. Đại tá Nguyễn Văn Thân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 275, đã kể lại thời điểm cách đây hơn 40 năm, khi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn phải trải qua hành trình đưa tên lửa sang phía tây Trường Sơn và nỗ lực tìm cách hạ gục “bóng ma” AC 130…

Kíp trắc thủ Tiểu đoàn 67 (Trung đoàn 275) bắn rơi AC-130 ngày 29-3-1972 (người đứng thứ hai từ phải sang là Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Lành). Ảnh tư liệu

 

Máy bay AC-130 được Mỹ cải tiến từ máy bay vận tải C-130 thành máy bay chiến đấu, có trang bị hệ thống quan sát bằng tia hồng ngoại, bằng quang truyền hình, thiết bị khuếch đại ánh sáng mờ với bội số 40.000 lần, phát hiện được xe chạy ban đêm và cả xe đã dừng nhưng máy chưa nguội. Trên đường 9, số xe bị cháy tăng vọt, số lái xe thương vong ngày càng nhiều, không một đoàn xe nào không bị AC-130 phát hiện và tấn công. AC-130 trở thành đối tượng cực kỳ nguy hiểm và gây ách tắc trên toàn tuyến vận chuyển. Vì thế Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-không quân và Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559 quyết định phải đưa tên lửa sang tây Trường Sơn để đánh AC-130.

Đại tá Nguyễn Văn Thân nhớ lại: “Ngày 25-1-1972, tôi được triệu tập về Sở chỉ huy Tiền phương Quân chủng PK-KQ ở km 6 đường 10. Tại đây, tôi được gặp Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri, Chính uỷ Hoàng Phương, Phó Tư lệnh Hoàng Văn Khánh và Phó Chính uỷ Nguyễn Xuân Mậu. Sau khi nghe tôi báo cáo tình hình chiến đấu của các đơn vị, Bộ Tư lệnh biểu dương đơn vị đã vượt qua nhiều khó khăn, chiến đấu tốt và lệnh cho tôi đưa toàn bộ Trung đoàn 275 gồm 5 Tiểu đoàn tên lửa Phòng không, 4 Tiểu đoàn pháo cao xạ và 1 Tiểu đoàn công binh vượt sang tây Trường Sơn để đánh B-52 và nhất là phải quyết tâm hạ gục tại chỗ AC-130”.

Đêm 3-3-1972, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân cùng một số trợ lý trên xe Gat-66 vượt khẩu sang tây Trường Sơn. Sớm 8-3-1972, đoàn đến Sở chỉ huy ở Địa đạo trên đường Coong-Le. Kể từ ngày Trung đoàn được lệnh rút gọn biên chế, vượt khẩu sang tây Trường Sơn đánh AC-130, Tiểu đoàn 68 vượt TPA (ngầm Tà Lê, đèo Phu La Nhích, cua chữ A) hết 1 tháng rưõi, còn Tiểu đoàn 67 cơ động trên quãng đường đèo cũng mất tới 2 tháng. Trong khoảng thời gian này, cán bộ chiến sĩ đã vượt qua nhiều gian khổ, chịu đựng những thương vong, tổn thất, trong đó công đầu phải kể đến các chiến sĩ lái xe.

Trước ngày Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân vượt khẩu sang Tây Trường Sơn, Phó Chính uỷ Sư đoàn Phòng không 377 Nguyễn Ly Sơn đã lên tận hang Phẫu thuật chỉ thị: “Anh phải trực tiếp nghiên cứu cách đánh AC-130. Không phải nó bay chậm ở độ cao 4 km mà dễ đánh đâu”. Phó Chính uỷ Sư đoàn nói vậy bởi vì chưa có lực lượng phòng không nào đánh vào đúng AC-130. Bộ Tham mưu Quân chủng PKKQ cũng chưa có tài liệu nào nói về cách đánh đối tượng này. Trước đây, khi kết thúc chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Tiểu đoàn 84 (Trung đoàn Phòng không 238) do Tiểu đoàn trưởng Phan Bá Nhẫn chỉ huy đã triển khai trận địa ở đường coong-le phục đánh AC-130. Nhưng vừa phát sóng, chưa kịp ấn nút thì đã bị địch bắn sơ-rai, phá hỏng khí tài. Tiểu đoàn 84 được lệnh rút về đông Trường Sơn. Còn Tiểu đoàn 67 sau nhiều ngày sửa chữa, khôi phục khí tài, đêm 27-2-1972 đã đánh trận đầu vào đối tượng AC-130, nhưng không có kết quả.

Đại tá Nguyễn Văn Thân, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Phòng không 275. Ảnh: Công Khoát

 

Khi tới Sở chỉ huy Địa đạo trao đổi với Chính uỷ Trung đoàn Đỗ Phan Thiết và nhận thấy Tiểu đoàn 67 tạm ổn về mặt bảo đảm kỹ thuật, cần phải giải quyết cách đánh, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân quyết định phải sang ngay Tiểu đoàn 67 để cùng anh em tìm cách đánh AC-130.

“Vừa tới Tiểu đoàn 67, chúng tôi đã họp ngay. Dự họp ngoài số cán bộ Tiểu đoàn và kíp chiến đấu đài 1, đài 2 chúng tôi còn mời Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn Phòng không 377 Nguyễn Tiến Thu, trợ lý kíp chiến đấu Nguyễn Điện Thung, tổ giáo viên Tên lửa Trường Sĩ quan Phòng không do đồng chí Nguyễn Ngọc Bích – Tổ trưởng giáo viên xạ kích Tên lửa phụ trách”, Đại tá Thân nhớ lại.

Tại cuộc họp, Tiểu đoàn trưởng 67 Vũ Bá Hắc báo cáo lại trận đánh ngày 27-02-1972 và phương án trận tới. Mọi người phát biểu bổ sung. Do vấn đề cốt tử của kíp chiến đấu tên lửa là nắm và hiểu địch trên màn hiện sóng, nên mọi ý kiến đưa ra phải rất cụ thể. Đài trưởng đài ra-đa nhìn vòng, Sĩ quan điều khiển và các Trắc thủ phải vẽ rõ hình dạng, kích thước của tín hiệu mục tiêu, sự di chuyển của mục tiêu và tên lửa trên màn hiện sóng trong suốt quá trình chiến đấu. Từ đó, đề ra cách vận dụng phương pháp điều khiển, các chế độ của ngòi nổ vô tuyến, các thao tác chiến đấu sao cho xác suất tiêu diệt địch cao mà lại hạn chế được tác hại của tên lửa Sơrai địch.

Sau khi các đồng chí đại diện sư đoàn và Trường sĩ quan Phòng không phát biểu ý kiến, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân kết luận: Yêu cầu của trận đánh tới là phải bắn hạ AC-130 rơi tại chỗ. Do đó phải kiên quyết chuyển sang bắn đón, không bắn đuổi để tạo xác suất tiêu diệt lớn, hạ máy bay tại chỗ. Mọi người đều nhất trí với kết luận trên, ông Thân quay về Sở chỉ huy Địa đạo đúng lúc Phó Tư lệnh sư đoàn 377 Đoàn Thuận vừa ở Bộ Tư lệnh Binh đoàn 559 về. Ông Thuận cho biết: Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên rất quan tâm đến việc đánh AC-130. Sư đoàn và Trung đoàn phải lãnh đạo, tổ chức cho chặt chẽ, quyết tâm hạ gục AC-130 tại chỗ.

5 giờ 12 phút ngày 24-3-1972, Tiểu đoàn 67 đánh trận thứ 2 vào AC-130, nhưng lần này vẫn bắn đuổi bằng 1 tên lửa. Ông Thân vội hội ý Thường vụ. “Sau khi được Phó Tư lệnh Đoàn Thuận đồng ý, tôi liền gọi điện xuống Tiểu đoàn phê bình không chấp hành nghiêm lệnh củaTrung đoàn, chỉ thị cho đồng chí Trung đoàn phó Nguyễn Duy Biên, Phó chính uỷ Trung đoàn Hồng Sơn và Bí thư Đảng uỷ Tiểu đoàn 67 Nguyễn Lập phải lãnh đạo Tiểu đoàn kiên quyết chuyển sang bắn đón theo Nghị quyết của Thường vụ Trung đoàn, nếu không sẽ bị thi hành kỷ luật”, ông Thân nhớ lại.

Sau đó, vượt qua bao khó khăn, gian nan, 3 giờ ngày 29-3-1972, Tiểu đoàn 67 đánh trận thứ 3, phóng 2 quả tên lửa liên tiếp hạ gục AC-130. Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân báo cáo ngay lên Sở chỉ huy sư đoàn. Tư lệnh Nguyễn Hữu Ích hỏi:

- Đã chắc chắn rơi chưa ?

- Báo cáo, chắc chắn ạ! Đài quan sát của trung đoàn thấy rõ tên lửa nổ đúng mục tiêu, máy bay địch cháy rất to, lao xuống đất.

Một lát sau, có điện trực tiếp của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên :

- Biểu dương Tiểu đoàn 67 đã hạ AC-130 rơi tại chỗ. Máy bay rơi xuống bản NaBo, bắc Sê-pôn 6 km, 14 giặc lái bị tiêu diệt. Cử ngay người ra canh gác. Thưởng ngay cho Tiểu đoàn 67 phần thưởng bắn rơi AC-130 là chiếc đài National, một xe quà lấy ở Binh trạm 41. Sẽ đề nghị trên thưởng Huân chương Quân công.

 Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 67 gồm : Tiểu đoàn phó Nguyễn Lành, sĩ quan điều khiển Hồ Viết Bá, các trắc thủ: góc tà Nguyễn Đăng Dương, cự ly Ngô Văn Chàng, góc phương vị Ngô Văn Bằng được triệu tập ngay lên Sở chỉ huy Trung đoàn để báo cáo và rút kinh nghiệm trận đánh. Mọi người gặp nhau đều vui vẻ tưng bừng, bao nhiêu mệt nhọc đều biến hết. Sau khi đồng chí Lành báo cáo, mọi người bổ sung, Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân đặt câu hỏi :

- Tại sao trung đoàn chỉ thị dùng phương pháp 3 điểm biết cự ly, mà tiểu đoàn lại dùng phương pháp K? Không nhất trí với phương án của trung đoàn à?

Đồng chí Lành sững lại một chút, rồi trả lời :

- Không phải là không nhất trí với trung đoàn, mà là do thói quen. Từ trước đến nay, trận nào tiểu đoàn cũng bắn bằng phương pháp K.

- Phương pháp điều khiển K là để nâng quĩ đạo bay của tên lửa khi bắn mục tiêu thấp, đề phòng tên lửa va vào mặt đất. AC-130 bay ở độ cao 4-5 km, dùng phương pháp K là không thích hợp, dùng phương pháp 3 điểm biết cự ly là có độ chính xác cao nhất, đồng thời còn đề phòng AC-130 gây nhiễu sóng tạp. Tình huống trận tối qua xảy ra đúng như ta dự kiến, khi tên lửa sắp gặp máy bay địch, nó gây nhiễu xoá mất mục tiêu, sĩ quan Bá bình tĩnh không chuyển phương pháp điều khiển, trắc thủ cư ly Chàng vẫn bám sát theo dư ảnh tín hiệu mục tiêu làm tên lửa vẫn ổn định bay tiếp lao vào mục tiêu. Quả thứ nhất vượt qua, quả thứ hai bắn trúng tiêu diệt mục tiêu. Nếu không có 2 động tác này thì tên lửa dao động lớn, sẽ bắn trượt, chúng ta đã không có cuộc gặp mặt vui vẻ hôm nay, mà đã bò ra làm kiểm điểm rồi.

Anh em đều nhất trí với phân tích của Trung đoàn trưởng. Chính uỷ Đỗ Phan Thiết đề xuất khen thưởng đồng chí Chàng, đồng chí Bá cao hơn một bậc. Chúng tôi vào “tiệc liên hoan” chỉ có một con gà bằng vốc tay bỏ vào nồi cháo to, mỗi người một bát con vừa đứng, vừa húp rất vui vẻ.

Ngày hôm sau (30-3-1972), Chiến dịch Trị Thiên 1972 mở màn, quân ta mở đợt tấn công rất mãnh liệt trên một tuyến rộng lớn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên đến Đầu Mầu, Động Toàn …

AC-130 - đối thủ nguy hiểm nhất bị đánh gục, địch choáng váng phải ngừng hoạt động trên một khu vực rộng lớn Cùng với các thành tích khác, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 275 và cá nhân đồng chí Nguyễn Lành đã được phong tặng danh hiệu “ Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân ”. Sau này, Nguyễn Lành đã trở thành Tư lệnh Sư đoàn Phòng không 375, Trắc thủ góc tà Nguyễn Đăng Dương sau chiến tranh trở thành Bí thư huyện uỷ Đan Phượng (Hà Nội).

NINH CÔNG KHOÁT