QĐND - “Đối thoại tại nơi làm việc” là chủ trương của Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp quân đội thực hiện trong “Tháng công nhân 2014”. Tại buổi đối thoại, người lao động được biết, được tham gia ý kiến, được quyết định, được kiểm tra, giám sát việc thực hiện những chủ trương, chính sách và quyền lợi chính đáng của mình. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Đại tá Ngô Văn Bích, Trưởng ban Công đoàn Quốc phòng (CĐQP) về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết hiệu quả trong hai năm triển khai thực hiện “Tháng công nhân” trong các đơn vị, doanh nghiệp quân đội?

Đại tá Ngô Văn Bích. Ảnh: Đức Dục

Đại tá Ngô Văn Bích: “Tháng công nhân” là chủ trương lớn của Đảng và Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; là hoạt động nhằm cụ thể hóa quan điểm, đường lối xây dựng giai cấp công nhân theo tinh thần Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X). Qua hai năm thực hiện, “Tháng công nhân” ở các đơn vị, doanh nghiệp trong quân đội được các cấp ủy, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị, tổ chức công đoàn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc. Các công đoàn cơ sở trong toàn quân đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về ý nghĩa “Tháng công nhân”, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm chính trị cho công nhân viên chức, lao động quốc phòng (CNVC-LĐQP). Cùng với đó, các đơn vị cũng đã đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Thông qua các phong trào thi đua trong “Tháng công nhân” đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; nhiều việc làm, công trình tiêu biểu. Trong “Tháng công nhân năm 2012” đã tôn vinh 163 tập thể; 1.276 cá nhân tiêu biểu trong phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; có 76 công trình, 156 đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho ngân sách quốc phòng hơn 2 tỷ đồng. Trong năm 2013, Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh cho 5 cán bộ, đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ); Ban CĐQP tuyên dương, tôn vinh 25 tập thể, 100 chủ tịch công đoàn cơ sở tiêu biểu xuất sắc 5 năm (2008-2013). Ngoài ra, các hoạt động chính sách xã hội được triển khai tích cực, đạt hiệu quả tốt, trở thành cao trào cách mạng của CNVC-LĐQP, góp phần cùng toàn quân hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

PV: Ban CĐQP đã tham mưu cho Tổng cục Chính trị hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị cụ thể hóa chủ đề “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp” trong “Tháng công nhân 2014” như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Ngô Văn Bích: Triển khai thực hiện “Tháng công nhân 2014”, Ban CĐQP đã hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Trước hết, các tổ chức công đoàn tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Công đoàn các cấp tập trung triển khai 4 chương trình hành động đã được Đại hội Công đoàn Việt Nam thông qua; đồng thời đẩy mạnh việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; triển khai cuộc thi sản phẩm đề tài sáng tạo, tôn vinh những người thợ giỏi. Năm 2014 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Ban CĐQP đã hướng dẫn, chỉ đạo các công đoàn cơ sở toàn quân tích cực, chủ động tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, trong đó, đối thoại tại nơi làm việc là một nội dung quan trọng và có nhiều điểm mới. 

Sản xuất bao bì tại Xí nghiệp Bao bì-Nhựa, Nhà máy Z131. Ảnh: Đức Dục

PV: Đồng chí có thể nói rõ hơn những điểm mới trong việc đối thoại tại nơi làm việc?

Đại tá Ngô Văn Bích: Đối thoại tại nơi làm việc là một hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để bảo đảm thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Quy định trách nhiệm tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất do người sử dụng lao động chủ trì phối hợp với ban chấp hành công đoàn cơ sở thực hiện 3 tháng/lần. Nội dung đối thoại tập trung trao đổi, thảo luận những vấn đề về tình hình sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế của doanh nghiệp; điều kiện làm việc; những yêu cầu của người lao động, tập thể lao động đối với người sử dụng lao động... Người sử dụng lao động có trách nhiệm ban hành quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của ban chấp hành công đoàn cơ sở và phổ biến công khai đến từng người lao động trong doanh nghiệp; bố trí địa điểm, thời gian, các điều kiện vật chất cần thiết khác bảo đảm cho đối thoại; cử thành viên đại diện người sử dụng lao động tham gia đối thoại; tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.
Ban chấp hành công đoàn cơ sở có trách nhiệm tham gia xây dựng quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động; giới thiệu nhân sự để bầu tổ đối thoại đại diện tập thể lao động tại hội nghị người lao động. Căn cứ nội dung yêu cầu của mỗi cuộc đối thoại, người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động cử thành phần đại diện trong tổ đối thoại để tiến hành đối thoại (khác với trước đây việc đối thoại do người sử dụng lao động đối thoại với toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động trong doanh nghiệp).

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TUẤN MINH (thực hiện)