QĐND - Nhân dịp Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành vào ngày 31-12-2015, Báo Quân đội nhân dân xin trích giới thiệu bài viết của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Trưởng Nhóm các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN của Việt Nam.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 tháng 11 vừa qua ở Ma-lai-xi-a, cùng với Tuyên bố lịch sử hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015, các nhà lãnh đạo ASEAN ký Tuyên bố về "ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước", một lần nữa kiến tạo tương lai ASEAN qua bản lộ trình mới cho 10 năm tới, gồm Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn trên 3 trụ cột: Chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
Tự tin chuyển mình cùng thời đại
Sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015 thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của ASEAN, đồng thời đòi hỏi ASEAN cần chuẩn bị kỹ lưỡng để có những bước phát triển thực chất hơn trong tương lai, xứng đáng với tầm vóc mới của ASEAN. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 đã ra đời trên cơ sở đồng thuận, phản ánh nhu cầu, nguyện vọng, quan tâm của tất cả các nước thành viên, tạo điều kiện quan trọng cho sự phát triển vững vàng của Cộng đồng ASEAN.
 |
Lễ thượng cờ ASEAN tại Hà Nội sáng 31-12-2015. Ảnh: TRỌNG HẢI
|
Vào ngày 1-1-2016, khi cả thế giới đón chào năm mới, ASEAN cũng khởi đầu một hành trình mới tràn đầy quyết tâm và tự tin xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các quốc gia thành viên. Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 nêu rõ cam kết của các lãnh đạo ASEAN sẽ xây dựng ASEAN vào năm 2025 là “một cộng đồng hòa bình, ổn định và tự cường với năng lực được nâng cao để ứng phó hiệu quả với các thách thức”, “một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu, đồng thời giữ vững vai trò trung tâm của mình”, “các nền kinh tế liên kết chặt chẽ, bền vững và năng động” và “một ASEAN có năng lực để nắm bắt các cơ hội và hóa giải các thách thức trong thập kỷ tới”.
Trên cơ sở những định hướng chung này, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cụ thể hóa thành các định hướng theo đặc trưng của từng trụ cột, khắc họa bức tranh toàn cảnh về Cộng đồng ASEAN trong thập kỷ tới với ba mảng màu xanh, vàng và đỏ, đại diện cho hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Tầm nhìn về Cộng đồng Chính trị-An ninh vào năm 2025 sẽ là một cộng đồng đoàn kết và tự cường, mang lại cho người dân một cuộc sống an bình trong môi trường hài hòa. Liên kết kinh tế ASEAN cũng sẽ sôi động và sâu sắc hơn trong thập kỷ tới nhằm hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2025. Những mục tiêu văn hóa-xã hội đề ra đến năm 2025 thể hiện đậm đà tính nhân văn của một Cộng đồng ASEAN tận tâm vì người dân…
Những điểm nhấn quan trọng
Một bức tranh thành công thu hút người xem khi tạo được những điểm nhấn đặc biệt. Tầm nhìn ASEAN 2025 nhận được sự quan tâm của người dân ASEAN và cộng đồng quốc tế cũng chính bởi những kỳ vọng và sự trông chờ về những thay đổi mà Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại trong thời gian tới.
Tầm nhìn ASEAN 2025 và hàng trăm biện pháp đề ra trong các kế hoạch tổng thể của 3 trụ cột sẽ mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cụ thể, chạm tới mọi tầng lớp trong xã hội. Người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng về hàng hóa và dịch vụ với chất lượng và chi phí phù hợp với mình. Học sinh, sinh viên, kỹ sư hay doanh nhân có thể tìm thấy các cơ hội học tập, giao lưu học hỏi, nâng cao trình độ, tìm kiếm việc làm hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh. Quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các nhóm yếu thế sẽ luôn được quan tâm, thúc đẩy và bảo vệ…
Bất kỳ xã hội nào cũng cần pháp luật để vận hành có trật tự và nề nếp. Bước vào giai đoạn phát triển mới với tên gọi mới Cộng đồng ASEAN đòi hỏi ASEAN phải nâng cao hơn nữa yếu tố luật lệ và mức độ ràng buộc về pháp lý trong các hoạt động của cộng đồng để sợi dây liên kết giữa các nước thành viên được bền chặt hơn. Xây dựng một Cộng đồng ASEAN vận hành theo luật lệ sẽ tiếp tục là định hướng xuyên suốt của ASEAN trong 10 năm tới và những năm tiếp theo.
Trong chính trị-an ninh, ASEAN sẽ tiếp tục đề cao và nhân rộng giá trị của các chuẩn mực ứng xử đã được thiết lập như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xem xét, hình thành một văn kiện ràng buộc pháp lý về quan hệ ứng xử giữa các quốc gia ở cả trong và ngoài khu vực. Các nguyên tắc về dân chủ, pháp quyền, quản trị, liêm chính sẽ được lan tỏa và lồng ghép vào chính sách và thực tiễn hoạt động của Cộng đồng ASEAN để thu hẹp dần khác biệt và gia tăng sự tương đồng trong nhận thức giữa các nước thành viên. Trong kinh tế, thúc đẩy các nguyên tắc và quy định về quản trị tốt và minh bạch, nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp sẽ là nội dung ưu tiên của trụ cột này trong thời gian tới. Trong văn hóa-xã hội, ASEAN sẽ dần thể chế hóa việc tham vấn với người dân trong tất cả các khâu hoạch định chính sách, bảo đảm tốt hơn sự tham gia cũng như lợi ích sẽ mang lại cho người dân trong tiến trình xây dựng cộng đồng.
Theo đuổi chính sách hướng ngoại và rộng mở, ASEAN vẫn được xem là kỳ tích về một tập hợp các nước vừa và nhỏ đã thu hút thành công những đối tác quan trọng bậc nhất ở toàn cầu tham gia và đóng góp vào hợp tác ở khu vực. Nhưng theo logic thông thường, thành phần tham gia càng đa dạng, luật chơi càng phức tạp, và sân chơi ASEAN vì thế đầy hấp dẫn nhưng không ít thách thức. Do vậy, thành công của ASEAN cũng như thành công của mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc xử lý hài hòa tất cả các mối quan hệ giữa các nước ở khu vực. Trong bối cảnh đó, ASEAN đạt nhất trí cao rằng sẽ tiếp tục củng cố vững chắc đoàn kết, thống nhất, phát huy mạnh mẽ trách nhiệm, tiếng nói chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong xử lý các vấn đề chiến lược, trong quan hệ với các đối tác và trong định hình cấu trúc khu vực.
Một điểm nhấn nữa trong chính sách hướng ngoại của ASEAN là tăng cường đóng góp vào những vấn đề toàn cầu. Với thế và lực đang lên và vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực, ASEAN có đủ cơ sở và điều kiện để tham gia và mở rộng ảnh hưởng ở những không gian rộng lớn hơn. Bên cạnh đó, khu vực này đã có sự hiện diện của hầu hết các thách thức an ninh phi truyền thống mà thế giới đang phải đối mặt với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng như chủ nghĩa khủng bố, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, dịch bệnh, thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, di cư. Do đó, việc ASEAN tham gia đóng góp tích cực ở cấp độ toàn cầu, một mặt giúp ASEAN ứng phó và xử lý hữu hiệu hơn các vấn đề cấp bách đó, mặt khác nâng cao hình ảnh, uy tín và vị thế quốc tế của ASEAN.
Bước sang giai đoạn phát triển mới, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đứng trước nhiều vận hội mới nhưng cũng không ít trở ngại cần vượt qua. Nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta lúc này là chuẩn bị đầy đủ hành trang cần thiết vì tương lai phát triển của ASEAN và cũng là của Việt Nam…
Cộng đồng ASEAN đã chính thức ra đời. Những nỗ lực và thành công của ASEAN trong suốt nửa thế kỷ qua để vun đắp nên dấu mốc lịch sử này sẽ được phát huy trên chặng đường 10 năm tới và xa hơn nữa. So với nửa thế kỷ của ASEAN, 20 năm tham gia của Việt Nam không phải là quãng thời gian dài, nhưng tạo những cơ sở để chúng ta có thể tin rằng Cộng đồng ASEAN sẽ ngày một vươn xa và trong hành trình ấy, Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng ASEAN vì một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn khu vực.