QĐND - Bà Ngô Thị Huệ, phu nhân cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (tên thật là Nguyễn Văn Cúc) năm nay đã 97 tuổi, sức khỏe giảm sút, nhưng trí nhớ của bà vẫn minh mẫn. Chúng tôi gặp bà vào buổi chiều muộn, trước ngày diễn ra Hội thảo khoa học “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”, được tổ chức tại TP Hưng Yên. Bà cho biết: “Mặc dù tuổi cao, sức yếu, đi lại khó khăn, phải ngồi xe lăn, nhưng tôi vẫn cố gắng di chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hưng Yên để tham dự hội thảo, bởi Hưng Yên là quê hương, nguồn cội, là mảnh đất máu thịt đã sinh ra anh Mười Cúc…”.

Tại hội thảo, nhiều tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý đã làm sáng rõ hơn về những công lao, đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; đặc biệt là dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong thời kỳ đầu Đảng ta thực hiện sự nghiệp đổi mới. Phát biểu tại hội thảo, bà Ngô Thị Huệ không nói về công lao của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, mà kể lại những câu chuyện sâu lắng, xúc động về gia đình và mối tình giữa bà và đồng chí Nguyễn Văn Linh, khiến nhiều đại biểu có mặt tại hội thảo hôm đó thực sự cảm động.

Bà Ngô Thị Huệ kể lại những câu chuyện cảm động về người bạn đời - Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Bà chậm rãi kể: Thời thơ ấu, trong cảnh đất nước bị thực dân đô hộ, nhân dân lầm than, người thiếu niên Nguyễn Văn Cúc phải trải qua tuổi thơ cơ cực, bất hạnh. Người cha mất khi Nguyễn Văn Cúc mới 4 tuổi; gánh nặng nuôi dạy ba chị em đè nặng lên đôi vai gầy của người mẹ tảo tần. Ít năm sau, người chị ruột của Nguyễn Văn Cúc cũng qua đời vì bệnh nặng. Khi Nguyễn Văn Cúc 10 tuổi, đau thương lại ập xuống khi người mẹ bị lao phổi nặng rồi qua đời, để lại Nguyễn Văn Cúc và người em gái còn thơ dại. Trước lúc lâm chung, bà vẫn cố gắng vỗ về, cặn dặn con trai: “Con hãy sống cho nên người!”. Từ đây Nguyễn Văn Cúc và em gái lớn lên trong sự đùm bọc, chở che của bà nội và bà con họ hàng. Năm 14 tuổi, Nguyễn Văn Cúc đã sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng và trở thành những người cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong thập niên 1930, cậu bé Nguyễn Văn Cúc học tại trường Bô-nan, ngôi trường lớn nhất Hải Phòng, rồi tham gia xây dựng tổ thanh niên học sinh đoàn, trực thuộc Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Nguyễn Văn Cúc bị địch bắt vào ngày 1-5-1930 khi đang rải truyền đơn phản đối chế độ thực dân. Chúng kết án tù chung thân Nguyễn Văn Cúc và đày đi Côn Đảo. Giữa đêm, bọn thực dân áp giải tù nhân từ Hà Nội về Hải Phòng để đưa xuống tàu vào Côn Đảo, trong tiếng hô vang của người dân phản đối thực dân Pháp bắt người trái phép, Nguyễn Văn Cúc nghe thấy tiếng người em gái gọi mình với giọng run run, nghẹn ngào: “Anh Cúc ơi, em nhớ anh lắm! Anh giữ gìn sức khỏe để về với em”. Đây cũng là lần gặp gỡ cuối cùng giữa hai anh em, bởi sau này, khi Nguyễn Văn Cúc được trả tự do từ nhà tù Côn Đảo và trở về, đi tìm em thì hay tin, người em gái yêu quý đã ra đi.

Câu chuyện về tình yêu, rồi nên nghĩa vợ chồng giữa bà Ngô Thị Huệ và chiến sĩ cộng sản Mười Cúc lại bắt nguồn từ việc cùng chung lý tưởng cách mạng, cùng cảm thông giữa hai người chiến sĩ cách mạng bị kết án tù chung thân. Sau này, ông bà từng chia sẻ: "Đã gắn đời mình với cách mạng thì tình yêu cũng nằm trong cái chung ấy. Sống có ý nghĩa thì tình yêu mới cao đẹp được. Hai chúng mình thuộc tầng lớp nghèo, đều trải qua tù đày, thấm thía nỗi đau của riêng mình nằm trong nỗi đau của dân tộc. Điều đó sẽ giúp chúng mình dễ cảm thông, biết sống và biết hy sinh cho nhau”. Mối tình đẹp gắn với lý tưởng cách mạng ấy được “kết trái” bằng đám cưới đơn sơ vào ngày 23-5-1948, không có sự chứng kiến của người thân, họ hàng, chỉ có một vài đồng chí nơi kháng chiến. Cưới nhau được 3 ngày, đồng chí Mười Cúc phải chia tay người vợ thân yêu lên đường làm nhiệm vụ. Sau này, hai lần bà Ngô Thị Huệ sinh hai người con gái lớn là Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Thị Bình thì cả hai lần, vì nhiệm vụ, đồng chí Mười Cúc đều không có mặt. Sớm tham gia cách mạng, làm công tác phụ vận, bà Ngô Thị Huệ cũng thường xuyên phải xa con.

Năm 1959, tình hình Nam Bộ căng thẳng, đồng chí Mười Cúc phải đưa vợ con ra miền Bắc. Lúc này, bé Nguyễn Hùng Linh, con trai út của ông bà mới 18 tháng tuổi. Để vơi nỗi nhớ con, đồng chí đã lấy tên Nguyễn Văn Linh làm bí danh hoạt động của mình từ đó. Hôm tiễn vợ con ra miền Bắc, đồng chí Nguyễn Văn Linh chuẩn bị bình sữa, áo ấm cho con và dặn vợ: "Ra miền Bắc, em và các con nhớ giữ gìn sức khỏe, ngoài đó lạnh lắm. Em phải coi đây là nhiệm vụ. Ở đây, thằng địch không để cho mình yên đâu…”. Vào thời điểm chiến tranh diễn ra quyết liệt trên chiến trường miền Nam, trong những lá thư gửi về gia đình, đồng chí Nguyễn Văn Linh luôn bày tỏ sự lạc quan: "Các con ơi, miền Nam đang thắng to. Càng thắng to, thắng mau, ta sẽ mau đi đến hòa bình độc lập, như thế gia đình ta và bao gia đình khác càng mau được đoàn tụ. Cho nên bố khỏe và vui lắm lắm. Bây giờ mẹ phải lo công tác tốt, bố phải nghĩ cách đánh thắng giặc Mỹ, còn các con phải ngoan và chăm học...”. Sau ngày miền Nam giải phóng, người con trai duy nhất của đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng đột ngột qua đời khi tuổi đời còn rất trẻ và khi ông bà đều đang trên đường đi công tác ở nước ngoài. Sau này, khi trên cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và bà Ngô Thị Huệ vẫn thường xuyên phải sống xa nhau; bà thường ở miền Nam để chỉ đạo, tổ chức các hoạt động từ thiện xã hội, giúp đỡ người nghèo.

Sinh ra ở miền Bắc, sống và hoạt động khắp ba miền: Bắc, Trung, Nam, cả cuộc đời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã hy sinh tình cảm riêng tư để cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân tộc, trong đó, hơn nửa thời gian hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh là quãng thời gian xa gia đình, vợ con, để gắn bó với cách mạng miền Nam. Dù trong gian khó, đau thương, đồng chí vẫn kìm nén cảm xúc, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn. Đó là sự hy sinh to lớn, thể hiện sinh động cốt cách, tinh thần của người đảng viên cộng sản chân chính, hết mực trung thành, kiên định, tận tụy, sáng tạo, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và hạnh phúc của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn là một người chồng, người cha mẫu mực, thủy chung…

Bài, ảnh: NGUYÊN THẮNG