QĐND Online – Chiều 28-12, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh, Trung tâm WTO thành phố phối hợp Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến nền kinh tế Việt Nam và khu vực” với sự tham dự của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, cùng một số doanh nghiệp tiêu biểu.
Tham luận của các đại biểu khẳng định, TPP là Hiệp định thương mại với mức độ tự do hóa cao và khả năng tiếp cận dễ dàng, phạm vi điều chỉnh khá toàn diện, sâu rộng. Trên cơ sở mở rộng quan hệ giữa các nước thành viên trong khối, phát triển nội khối từng thành viên để từ đó nâng cao sức cạnh tranh, minh bạch chính sách. Đối với Việt Nam, việc tham gia vào TPP được xem là bước đi quan trọng trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, là cơ hội lớn để phát triển kinh tế và là động lực thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Một nội dung quan trọng của TPP là cắt giảm thuế quan giữa các quốc gia tham gia TPP, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam sang các nước trong hiệp định. Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng đầu tư vào trong nước, gia tăng thương mại và đầu tư, tạo nhiều việc làm…
 |
Toàn cảnh hội thảo.
|
Tuy nhiên, các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần phải xác định rõ các cơ hội và thách thức Việt Nam sẽ gặp phải sau khi gia nhập TPP. Các đại biểu cho rằng, thách thức lớn là các nhà sản xuất nội địa phải chịu áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Ngoài ra, các điều khoản về xuất xứ hàng hóa, điều kiện người lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, pháp lý… sẽ tác động hai chiều đến tình hình kinh tế, xã hội trong nước.
Từ đó, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để Việt Nam tiếp cận, phát huy hiệu quả kinh tế từ TPP như: Tạo hành lang pháp lý phù hợp cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu hàng hóa; tạo giá trị gia tăng và tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển dần hoạt động gia công sang sáng tạo; phải có quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành trong tương lai…
Tin, ảnh: HÙNG KHOA