Dự án luật được hoàn thiện khá toàn diện và công phu

Báo cáo tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của luật hiện hành; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. Do đó, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản là phù hợp với phạm vi sửa đổi.

Qua thảo luận, đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình thống nhất cao với báo cáo một số vấn đề lớn về dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; cho rằng, Ủy ban Kinh tế đã tích cực tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu, chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, Bộ Tư pháp hoàn thiện dự án luật.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. 

Cho ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận cơ quan chủ trì thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và các cơ quan đã sửa đổi hoàn thiện luật này khá toàn diện và công phu, tiếp thu được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án luật này liên quan đến nhiều luật khác, như Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Doanh nghiệp….; tuy nhiên, còn một số nội dung cụ thể chưa tương thích. Do đó, đề nghị tiếp tục rà soát để tránh chồng chéo. 

Nhấn mạnh dự án luật có tính chuyên ngành sâu, nặng về kỹ thuật nhưng lại liên quan đến thủ tục hành chính, cải cách hành chính, quyền và lợi ích của các bên và liên quan đến nhiều dự án luật khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế lắng nghe, cầu thị các cơ quan; cùng với đó, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành tham gia góp ý thêm vào dự án luật bảo đảm chất lượng cao hơn và giải quyết được những điểm nghẽn đã chỉ ra.

Có nên nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù?

Đáng chú ý, dự án luật lần này quy định về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước. Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.

Trong khi đó, theo báo cáo của cơ quan chủ trì soạn thảo, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá. Thông lệ quốc tế đều không có quy định cụ thể về khoản tiền đặt trước tham gia đấu giá, theo đó, các công ty đấu giá tự đưa ra mức tiền đặt trước tùy theo loại tài sản đấu giá và tùy theo hình thức đấu giá.

"Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng; đồng thời, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước", Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn nói. 

Tuy nhiên, ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản. 

ANH PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.