Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 là luật chuyên ngành đầu tiên trong lĩnh vực giáo dục đại học, đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, Luật Giáo dục Đại học đã dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn tổ chức và hoạt động giáo dục đại học trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Những hạn chế cơ bản của Luật Giáo dục Đại học 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học trên thực tiễn, như: Các quy định của Luật Giáo dục Đại học hiện hành chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm và quyền hạn giữa cơ quan chủ quản và cơ sở giáo dục đại học công lập để thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho tự chủ đại học; việc xác lập cơ chế tự chủ trong cơ sở giáo dục đại học cũng chưa được làm rõ; các quy định về tài chính, tài sản đã trở nên không phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học...
 |
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn. |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Việc xây dựng và ban hành Dự án Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với giáo dục đại học trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý về giáo dục đại học, giải quyết những vấn đề mới phát sinh của giáo dục đại học hiện tại và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học trong thời gian tới, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo tờ trình của Chính phủ, sẽ sửa đổi 39/73 điều của Luật Giáo dục đại học hiện hành và bổ sung 2 điều. Theo đó, có 15 vấn đề lớn cần sửa đổi, trong đó đáng chú ý có các vấn đề về mô hình, cấu trúc các cơ sở giáo dục đại học; Quy hoạch mạng lưới các Cơ sở giáo dục Đại học; Phân tầng, xếp hạng đại học; Điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; Tự chủ và trách nhiệm giải trình về chất lượng đào tạo trong các Cơ sở giáo dục Đại học…
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Liên quan đến các quy định về nội dung tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, các ý kiến thống nhất đẩy mạnh tự chủ là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Tuy nhiên đi đôi với mở rộng tự chủ cần quy định rõ trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở giáo dục Đại học. Đặc biệt là vai trò, năng lực của Hội đồng trường, do đó, Dự thảo cần quy định rõ điều kiện để cơ sở giáo dục đại học được tự chủ. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm giải trình trên nguyên tắc minh bạch, khách quan và trung thực, cũng như quy định rõ về cơ chế kiểm định chất lượng trong việc thực hiện tự chủ đại học.
Về nội dung xây dựng thương hiệu, xếp hạng Đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng đề nghị, nội dung này cần xem xét lại vì thứ bậc phải trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu của xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phân tích: Thương hiệu ở đây chính là thứ bậc, mà muốn có thứ bậc phải đánh giá, thi đua. Đã thi đua với thế giới thì trước tiên phải thi đua với chính bản thân mình, nghĩa là trong nước mình phải tự đánh giá với nhau. Thực tế trên thế giới, việc đánh giá các trường, xếp hạng thứ trường không phải do tổ chức Nhà nước mà do các tổ chức Hiệp hội đứng ra tổ chức theo yêu cầu của xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát trong các nội dung tập trung sửa đổi đã đủ để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ đất nước chưa, có cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh hay không. Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học đến các nội dung quy định liên quan trực tiếp đến sinh viên và giảng viên đại học để từng bước hoàn thiện nội dung dự án luật.
Thay mặt Chính phủ, tiếp thu các ý kiến thảo luận, góp ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội và ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại phiên họp, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, những ý kiến góp ý tại phiên họp hôm nay rất xác đáng. Chính phủ sẽ nghiêm túc tiếp thu và ngay sau phiên họp sẽ khẩn trương bổ sung các tài liệu để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trong thời gian sớm nhất.
NGUYỄN THẢO