Ông Hoàng Thọ Xuân - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, việc điều chỉnh giá sẽ tránh không để thị trường rơi vào thế đột ngột, gây sốc, đồng loạt...

Ông Hoàng Thị Xuân cho biết, giá cả hiện nay đang chịu sức ép rất lớn từ việc tăng giá của thị trường thế giới. Diễn biến đó ảnh hưởng đến cả thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Sau tháng 6, việc điều hành giá cả, thị trường phải phù hợp với diễn biến của từng mặt hàng và tiềm lực của Nhà nước trong việc bình ổn thị trường. Tức là, không thể máy móc lấy ngày 30/6 làm chốt cuối cùng để cho tăng giá. Sẽ không có chuyện điều chỉnh ngay và điều chỉnh đồng loạt các mặt hàng, vấn đề là bước đi, lộ trình và kịch bản. Mặt khác, có nhiều công cụ đề điều hành thị trường và giá cả một mặt hàng, chứ không phải chỉ có tăng giá, ví dụ như thuế.

Quan điểm điều hành thị trường là phải nhất quán trước sau như một, thực hiện nghiêm túc triệt để, đầy đủ những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện qua Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP thực hiện 8 nhóm biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững và những chỉ đạo riêng của Thủ tướng trong từng lĩnh vực.

Để không tăng giá đột ngột, ông Hoàng Thọ Xuân cho rằng, cả người dân và doanh nghiệp cần phải chia sẻ với Chính phủ. Trong lúc thị trường biến động bất thường, dễ bị tổn thương thì Nhà nước phải sử dụng công cụ của mình là các doanh nghiệp Nhà nước. Vì thế, các doanh nghiệp Nhà nước, kể cả những doanh nghiệp đã cổ phần nhưng Nhà nước có cổ phần chi phối, phải tiếp tục chấp nhận thiệt thòi và vẫn phải thể hiện vai trò chủ đạo trong việc bình ổn thị trường ở ngành hàng và lĩnh vực mà doanh nghiệp đó tham gia.

Chẳng hạn, 11 doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối đều là doanh nghiệp Nhà nước nên thời gian qua đã chấp hành rất nghiêm túc kỷ luật giá theo yêu cầu của Chính phủ. Như vậy, bài toán điều hành hiện nay là phải xử lý để hài hoà được cả 3 lợi ích: Doanh nghiệp – Nhà nước - Người dân.

Theo Tin tức