Một trong 2 “mũi giáp công” phát triển nguồn lực quốc gia
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết, đối tượng giám sát của chuyên đề này là Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan quản lý, sử dụng vốn nhà nước, tài sản nhà nước; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị, xã hội; doanh nghiệp nhà nước; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kế hoạch này nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc ban hành, triển khai, thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước; kịp thời xử lý những tồn tại, vướng mắc trong hoàn thiện chính sách, pháp luật, tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm; kiến nghị hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
 |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VPQH |
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong 4 chuyên đề giám sát lần này thì chuyên đề về thực hành chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chuyên đề mà các cơ quan chức năng, Đảng, Nhà nước, người dân quan tâm nhất, mong muốn, kỳ vọng nhất.
Nhấn mạnh tiết kiệm và chống lãng phí là một lĩnh vực rất lớn, quốc gia nào cũng chú ý đến việc này, nhất là những quốc gia nguồn lực đang còn hạn chế như nước ta, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi làm tốt thì cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực sẽ như 2 “mũi giáp công” giải quyết được những khó khăn; huy động, phân bổ và sử dụng được các nguồn lực của quốc gia để phát triển nhanh và bền vững như mục tiêu chúng ta đặt ra.
Giám sát phải rõ đối tượng giám sát, rõ người chịu trách nhiệm
Đi sâu vào phạm vi giám sát của chuyên đề, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thì 5 lĩnh vực như kế hoạch đưa ra là rất rộng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý đến việc giám sát nguồn tài nguyên đặc biệt: Đất đai. “Đoàn giám sát phải chỉ rõ ra được cả nước có bao nhiêu diện tích đất đã giao mà chưa thu tiền sử dụng đất. Bao nhiêu diện tích đất của quốc gia giao rồi nhưng sử dụng không đúng mục đích? Phải trả lời thẳng vào những câu hỏi như thế” - Chủ tịch Quốc hội yêu cầu và cho biết con số ở diện nêu trên ở mức khoảng hơn một triệu ha.
Một lĩnh vực khác nữa theo Chủ tịch Quốc hội còn đang lãng phí là đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát lần này phải trả lời cho được tổng diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang hóa không sử dụng hoặc chưa sử dụng là bao nhiêu?
Nhấn mạnh diện tích đất bỏ hoang là “không ít”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: Bây giờ phải yêu cầu từng địa phương báo cáo về chuyện này; đồng thời phải đi kiểm tra, cùng các ngành kiểm tra chéo với nhau để xem xét chuyện này. “Tấc đất tấc vàng" mà lại để bỏ hoang như thế. Thực tế là nếu bà con làm nông nghiệp, trồng lúa trên diện tích đó thì hiệu quả kinh tế không mang lại được bằng người ta làm vào khu công nghiệp hay làm các việc khác. Thế nhưng không lẽ lại để không đất, phải có biện pháp thế nào đó để khai thác, quản lý, sử dụng. Trong khi đất lúa bao giờ cũng phải giữ để bảo đảm an ninh lương thực...
 |
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH |
Một trong những lĩnh vực quan trọng khác, theo Chủ tịch Quốc hội còn lãng phí là về ngân sách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát cần rõ ở lĩnh vực nào, nhất là các khoản chi gián tiếp, chi có tính chất như lễ hội, hội nghị, khánh tiết, tiếp tân, đi công tác nước ngoài... vẫn còn lãng phí.
Về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đoàn giám sát tính toán, xem xét việc phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả đầu tư, đánh giá qua Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (chỉ số ICOR), những công trình, dự án treo, kéo dài. “Bao nhiêu dự án treo, nằm ở đâu, địa chỉ là của những ai và thực hiện theo quy định pháp luật thế nào? Quy định đến thời gian nào đó không thực hiện thì thu hồi nhưng địa phương có làm được đâu”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát phải rõ đối tượng giám sát, rõ người chịu trách nhiệm, không né tránh. "Lần này phải làm cho đến nơi đến chốn, làm "cho ra ngô, ra khoai", làm cho có hiệu lực. Việc này nhiều địa phương, đơn vị cũng muốn sử dụng tối đa, nhưng đôi khi do vướng về thể chế, chính sách chung nên chưa làm được thì lần này mình phải phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì, đề xuất gỡ chính sách và huy động các nguồn lực cho các địa phương, đơn vị”, Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
NGUYỄN THẢO