Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp sáng 12-4. Ảnh: quochoi.vn.

Theo Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2017, với nỗ lực, quyết tâm cao của cả bộ máy chính trị, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm qua đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị để chấn chỉnh công tác quản lý, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp… Đây là những tiền đề cần thiết để đạt những kết quả quan trọng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Đáng chú ý, trong quản lý ngân sách nhà nước, nhiệm vụ thu-chi ngân sách nhà nước năm 2017 cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Quốc hội quyết định, có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Có 59/63 tỉnh, thành phố hoàn thành vượt dự toán thu nội địa. Bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (bằng 3,42% GDP kế hoạch và 3,48% GDP thực hiện). Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, gồm vay để bù đắp bội chi và trả nợ gốc thực hiện thấp hơn dự toán Quốc hội giao 4.000 tỷ đồng, góp phần tích cực giảm nợ công...

Về công tác quản lý nợ công, để bảo đảm nguồn bù đắp bội chi và trả nợ gốc của Ngân sách Trung ương theo dự toán, đầu tư cho các chương trình, dự án, chi trả nợ đúng hạn và đầy đủ, Chính phủ đã phát hành 159,9 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn từ 5 năm trở lên (kỳ hạn bình quân là 13,52 năm; lãi suất bình quân là 6,07%/năm); giải ngân khoảng 3,5 triệu USD vốn vay ODA, vay ưu đãi. Cơ cấu danh mục trái phiếu Chính phủ đã được cải thiện cả về kỳ hạn và lãi suất, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm đáng kể áp lực về nợ công so với các năm trước. Đến ngày 31-12-2017, dư nợ công bằng khoảng 61,3% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 51,6% GDP, dư nợ Chính phủ bảo lãnh 9,1% GDP, dư nợ vay nước ngoài của quốc gia khoảng 45% GDP, trong phạm vi giới hạn Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận một số tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đó là, công tác quản lý thu ngân sách nhà nước ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt, chưa theo sát tình hình thực tiễn, diễn biến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Có 4 tỉnh, thành phố không hoàn thành dự toán thu nội địa. Nợ đọng thuế tuy có giảm so với năm 2016 nhưng còn lớn (nợ thuế bằng 7,6% tổng thu nội địa), có 19/63 địa phương thực hiện thu tiền thuế nợ đạt thấp dưới mức 89,9%. Qua công tác thanh tra, kiểm tra của các bộ, ngành, địa phương phát hiện tình trạng chi ngân sách nhà nước sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ vẫn còn xảy ra tại nhiều đơn vị...

Cho ý kiến tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội Trần Văn Túy chỉ rõ việc giải ngân vốn đầu tư chậm là việc gây rất lãng phí (hiện mới có 7/63 địa phương giải ngân). Ngoài ra, trái phiếu Chính phủ cũng mới giải ngân được 41,2%, theo đại biểu Trần Văn Túy, điều này gây ra sự lãng phí kép: Nhà nước vừa phải trả lãi, trong khi công trình bị kéo dài, gây xuống cấp...

Đại biểu Trần Văn Túy đề nghị cần quan tâm, rà soát kỹ hơn nữa về hiệu quả sử dụng vốn ODA. "Nếu thiếu vốn thì cần vay nhưng việc vay cũng cần tính toán cho kỹ, điều kiện vay thế nào, công trình nào được vay, tính toán khả năng trả nợ... để tránh gây thất thoát, lãng phí", đại biểu Trần Văn Túy nhấn mạnh.

Thừa nhận thực tế đúng như trong báo cáo là việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, chậm tiến độ, hiệu quả chưa cao, như: Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP Hồ Chí Minh, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nhấn mạnh điều này gây lãng phí rất lớn và đề nghị nghiên cứu, làm thế nào để đẩy nhanh tiến độ các công trình và đưa ra phương pháp giải quyết hợp lý.

“Đề nghị Chính phủ xây dựng quy chế, chế độ, kiểm soát chặt chẽ chương trình hành động với mục tiêu cụ thể; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm toán và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đặc biệt phải tăng cường tính làm gương của lãnh đạo. Có như vậy thì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thời gian tới mới được thực hiện có hiệu quả”, đại biểu Trần Văn Túy nêu quan điểm.

Kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhất trí với nhiều nội dung trong báo cáo và đánh giá tình hình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm qua tuy còn nhiều hạn chế nhưng đã có nhiều tiến bộ hơn so với năm 2016, có nhiều cố gắng kể cả trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản, trong mua sắm trang thiết bị, trong khai thác sử dụng tài nguyên, trong xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, trong sử dụng lao động và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong doanh nghiệp và nhân dân...

Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thẳng thắn cho rằng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm qua chưa được thực hiện nghiêm túc, việc tránh gây thất thoát, lãng phí trong sử dụng tài sản công, sử dụng nguồn lực còn kém hiệu quả, việc tổ chức thực hiện còn chậm, ý thức chấp hành của một số vụ chưa cao, việc xử lý một số vụ việc chưa kịp thời, nghiêm túc... Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có bước tiến mới trong thời gian tới. 

Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 phấn đấu một số chỉ tiêu tiết kiệm: Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII; sắp xếp, tổ chức lại để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu giảm khoảng 2,5% số đơn vị sự nghiệp công lập.

Phấn đấu giải ngân 100% dự toán chi đầu tư phát triển được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao; nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế trong quá trình thi công xây dựng công trình.

Trong năm 2018, giảm 1,7% biên chế công chức so với số giao năm 2015; giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.

* Cũng trong phiên họp sáng 12-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Phú Mỹ và các phường thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; thị trấn Phước Cát thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

NGUYỄN THẢO