Gạo đầy ắp tại chợ đầu mối Trần Chánh Chiếu, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

* Hy vọng ổn định thị trường trong hai, ba ngày tới

Ngày 28-4, trên khắp cả nước, giá gạo đã có dấu hiệu giảm so với ngày 27-4. Tuy nhiên, giá cả và thị trường gạo vẫn chưa thật sự ổn định. Các phóng viên, cộng tác viên của báo QĐND đã gặp gỡ những người quản lý, người bán hàng và người tiêu dùng, bước đầu ghi nhận các diễn biến mới của thị trường.

Hà Nội: Sẽ có hàng trăm tấn gạo dự trữ được đưa về

Chiều qua, chúng tôi đến các cửa hàng gạo ở chợ Hòe Nhai, Châu Long.... Lượng người dân đổ đến các cửa hàng bán buôn, bán lẻ gạo còn khá đông. Gặp nhiều người, từ chủ cửa hàng đến những người mua, chúng tôi được biết: Trước tin đồn giá gạo tăng cao, trong hai ngày vừa qua, tại các cửa hàng, giá gạo tăng ở mức từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Cụ thể là gạo Bắc Hương tăng liên tục trong bốn ngày(ngày 25 đến ngày 28) là từ 11.000 đồng lên 15.000 đồng/kg (có nơi 18.000đ/kg); nhóm cao nhất là gạo tám Thái Lan tăng lên 18.000 đồng/kg, gạo đặc sản Điện Biên là 23.000 đồng/kg.

Bà Phạm Thanh Hương, nhân viên Tổng công ty Lương thực Hà Nội cho biết: Tổng công ty quyết tâm tham gia bình ổn giá lương thực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong hai ngày 27 và 28-4, Tổng công ty chỉ xuất cho mỗi cửa hàng trực thuộc 2 tấn gạo/ngày. Khống chế giá gạo ngon ở mức 16.000 đồng/kg, cho dù bên ngoài có bán giá cao hơn. Tính ra, trung bình giá thấp hơn các cửa hàng bên ngoài là 4.000 đồng/kg. Các cửa hàng của Tổng công ty luôn mở cửa, không để cho người dân nghĩ rằng Tổng công ty tích trữ gạo chờ giá cao. Nhưng cũng tạm thời bán hạn chế, mỗi người dân chỉ được mua 5 kg, để tránh nạn đầu cơ tích trữ. Bà Hương cho biết một thông tin rất đáng chú ý là: Trong khoảng 4- 5 ngày tới, hàng trăm tấn gạo từ các kho dự trữ của Tổng công ty sẽ được đưa về Hà Nội.

Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh: Giá gạo giảm hẳn

Sáng qua 28-4, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức họp bàn giữa các ngành có liên quan về giải pháp kiềm chế tăng giá gạo đột biến trong mấy ngày qua.

UBND thành phố đã hỗ trợ vốn mua hàng cho Công ty cổ phần lương thực Đà Nẵng 5 tỷ đồng để mua và dự trữ lương thực. Đến 13 giờ 30 phút, Công ty cổ phần lương thực Đà Nẵng đã triển khai các điểm bán gạo tại chợ Cồn, chợ Hàn, chợ An Hải Đông và chợ Hòa Khánh, với giá bán 9.500 đ/kg. Sở Công thương cử các chuyên viên, Chi cục quản lý thị trường cử quan sát viên cùng với nhân viên của Công ty cổ phần lương thực trực tiếp đến các địa điểm nêu trên bán gạo cho nhân dân. Thời gian bán liên tục để phục vụ người mua.

Được biết, số lượng gạo dự trữ tại Công ty cổ phần lương thực Đà Nẵng lên tới 1.500 tấn. Theo ước tính của Sở Công thương thì lượng gạo này đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân thành phố. Quản lý thị trường kết hợp với các lực lượng liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh lúa gạo trên địa bàn, nắm chắc số lượng dự trữ, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ tích trữ.

Cũng trong sáng 28-4, tại TP Hồ Chí Minh, Tổng công ty lương thực miền Nam đã họp với các doanh nghiệp thành viên để đánh giá về tình hình tồn kho và cung ứng gạo cho các tỉnh. Tổng công ty chỉ đạo công ty lương thực các tỉnh cung ứng gạo cho các địa phương trên địa bàn đã phân công. Riêng TP Hồ Chí Minh, yêu cầu các Công ty lương thực Tiền Giang, Long An và Nhà máy SATAKE chịu trách nhiệm cung ứng 2.000 tấn gạo. Giá gạo chỉ được phép bán ra tại thành phố là 13.000đ/kg. Còn ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là 11.000đ/kg; những nơi khác (Tây Nguyên, Bình Định, Đà Nẵng…) giá không quá 15.000đ/kg. Đặc biệt, Công ty lương thực Kiên Giang phải bảo đảm cung ứng đủ gạo cho đảo Phú Quốc với giá không quá 12.000đ/kg…

Hiện nay, số gạo tồn kho của các hội viên Hội Lương thực Việt Nam đủ cung ứng nhu cầu tiêu thụ gạo trong nước, kể cả xuất khẩu.

Tình trạng người dân đổ xô đi mua gạo tại các chợ và các đại lý ở TP. Hồ Chí Minh đã giảm hẳn. Giá bán các loại gạo đều giảm nhưng vẫn còn cao hơn ngày 26-4 khoảng từ 3.000đ – 4.000đ/kg. Tại chợ Trần Chánh Chiếu - chợ gạo đầu mối lớn nhất thành phố, giá các loại gạo đều giảm từ 8.000đ đến 10.000đ/kg. Cụ thể: gạo thơm Thái Lan giá giảm từ 25.000đ/kg còn 17.000đ/kg; các loại gạo khác chỉ còn từ 12.000 đến 13.000đ/kg.

Các lực lượng kiểm tra liên ngành của thành phố và các quận, huyện đã tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương niêm yết giá, bảo đảm bình ổn thị trường, đồng thời xử lý nghiêm minh các biểu hiện đầu cơ, tăng giá.

Đồng bằng sông Cửu Long: Kinh doanh gạo bước vào ổn định

Chiều 28-4 chúng tôi có mặt tại nhiều chợ, cửa hàng kinh doanh gạo ở thành phố Cần Thơ và nhận thấy việc kinh doanh gạo đã bình ổn trở lại. Không có cửa hàng nào đóng cửa và cảnh chen lấn mua gạo cũng không còn. Nhiều cửa hàng nhập gạo về rất nhiều, chất đầy trong cửa hàng. Giá gạo cũng đã giảm so với ngày 27-4, nhưng vẫn ở mức cao hơn trước. Các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra tình hình buôn bán gạo ở các chợ, cơ sở kinh doanh, nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Cần Thơ về kinh doanh gạo. Hệ thống phát thanh từ cấp huyện, quận đã liên tục tuyên truyền, giải thích cho người dân về tình trạng khan hiếm gạo là tin đồn thất thiệt, đừng nhẹ dạ để các đối tượng đầu cơ đẩy giá gạo lên cao trục lợi.

Lãnh đạo các tỉnh, thành phố An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Cần Thơ, Kiên Giang…đồng loạt có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan thuộc địa phương mình triển khai các biện pháp bình ổn thị trường gạo, nghiêm cấm đầu cơ, găm hàng chờ giá, tung tin đồn thất thiệt về mặt hàng gạo. Đặc biệt, các ngành chức năng giám sát chặt chẽ các vựa gạo đầu mối, thương lái, nhà máy xay xát gạo, không để diễn ra tình trạng “găm hàng" làm mất cân bằng giả tạo nguồn cung lương thực. Đồng thời, khuyến cáo người dân nắm thông tin chính xác, bình tĩnh, tránh bị kích động, lôi kéo đổ xô mua gạo dự trữ... tạo "cơ hội" để các cơ sở kinh doanh đầu cơ, tăng giá gạo kiếm lời.

Sau khi có công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các biện pháp quyết liệt tại các địa phương, thị trường gạo đã tạm thời bình ổn trở lại. Tình trạng người dân đổ xô đi mua gạo, chen chúc tại các cửa hàng đã không còn...

Ở những trọng điểm của các vùng, miền kể trên, có thể nhận thấy rõ thị trường gạo sẽ sớm ổn định. Đó cũng là mong muốn lớn nhất của Nhà nước, các cấp, các ngành và đồng bào, chiến sĩ cả nước.

NHƯ QUỲNH, THANH THÚY, PHAN TIẾN DŨNG, TRỌNG NGHĨA, TRUNG KIÊN,