Công ước số 98 đã được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua năm 1949, tính đến nay đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Công ước số 98 có 3 nội dung cơ bản: Người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm; tổ chức của người lao động không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động và Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể.

Qua thảo luận, các ý kiến đại biểu đều đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98 và cho rằng: Việc gia nhập Công ước số 98 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội, khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Tất cả các bộ, ngành được Chính phủ lấy ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) cho biết: Nhằm thực hiện chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nước ta đã gia nhập 5 Công ước cơ bản của ILO, hiện nay còn 3 Công ước chúng ta chưa tham gia đó là Công ước số 87, Công ước số 98 và Công ước 105 liên quan đến tự do liên kết, quyền thương lượng tập thể và loại bỏ lao động cưỡng bức.

Đồng tình với sự gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế, đại biểu nhấn mạnh đây là Công ước rất quan trọng, quy định những điều kiện thiết yếu để Công đoàn có thể tiến hành thương lượng tập thể một cách thực chất và hiệu quả.

Đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn Sóc Trăng) phát biểu ý kiến. Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực do Công ước số 98 mang lại thì việc gia nhập Công ước cũng bị ảnh hưởng bởi các thách thức trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn là một nước đang phát triển, kinh tế khó khăn, đời sống và việc làm của người lao động còn nhiều vấn đề cần giải quyết, việc thúc đẩy nhanh để thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn lao động quốc tế sẽ đặt ra thách thức, đòi hỏi Việt Nam cần quan tâm giải quyết.

Đó là nguy cơ đối mặt với khiếu nại liên quan tới thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế khi Hiệp định CPTPP và Công ước số 98 là hai hiệp định thế hệ mới đòi hỏi cơ chế thực thi mạnh hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta phải sửa đổi pháp luật và xây dựng bộ máy thực thi đầy đủ, sẵn sàng... Do đó, đại biểu tỉnh Trà Vinh đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá đầy đủ các mặt không thuận lợi khi gia nhập công ước để chủ động phương án xử lý tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của người lao động. Đồng thời, các bộ, ngành cần nghiên cứu sâu về tác động của công ước; trên cơ sở đó, xây dựng các chính sách và chương trình phù hợp, bảo đảm đời sống, việc làm của người lao động, đồng thời nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, để bảo đảm tính khả thi, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần xem xét thông qua một cách thận trọng; cần quan tâm hơn nữa đến chính sách đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động Việt Nam, bảo đảm đời sống, việc làm của người lao động Việt Nam.

Về phía Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các Luật có liên quan khác để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi khi nước ta gia nhập Công ước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, người lao động hiểu và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định: Trong quá trình tiến xây dựng tờ trình, các bộ đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức quốc tế để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, các điều kiện, tiêu chuẩn để đánh giá sự cần thiết, tính khả thi cũng như kế hoạch, chương trình cụ thể khi gia nhập Công ước số 98. 

"Đến thời điểm này, việc chúng ta phê chuẩn gia nhập Công ước số 98 là cần thiết và có thể khẳng định là đã chín muồi. Các quy định của Công ước 98 hoàn toàn thực thi hiệu quả được, các điều kiện chúng ta cam kết hoàn toàn phù hợp Hiến pháp, pháp luật Việt Nam", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Kết luận nội dung này tại phiên họp, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp thu cả nội dung, kỹ thuật lập pháp, nhất là những nội dung cam kết quốc tế để hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội thông qua vào ngày 14-6-2019.

PHƯƠNG HẰNG