Bài 1: Bước phát triển mới đáng phấn khởi
PV: Thưa GS. TSKH Trần Ngọc Thêm, ông có cảm nhận gì về thời điểm ban hành Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI?
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm: Tôi cho rằng Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (NQTW9) ra rất kịp thời, không thể muộn hơn được nữa. Bởi lẽ, nếu thực hiện tốt NQTW5 (khóa VIII) thì có lẽ không cần phải ra NQTW9 (khóa XI), nhưng thực tiễn luôn vận động, biến đổi, cuộc sống con người và xã hội phát triển; đồng thời, xu thế hội nhập và cơ chế thị trường cũng bộc lộ những khiếm khuyết, đặt ra yêu cầu cấp thiết cần thay đổi. Cho nên, sự ra đời của NQTW9 lúc này là phù hợp, đúng lúc.
Thực tế cho thấy, sau 15 năm thực hiện NQTW5 mà rộng hơn là từ thời kỳ Đổi mới đến nay, kinh tế nước ta có đi lên nhưng văn hóa chưa tương xứng. Sự đi lên của kinh tế cũng có những bước thăng trầm, chưa vững chắc bởi thực lực của nước ta chưa nhiều, chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, đầu tư nước ngoài, chứ chưa phải từ nội lực, từ yếu tố con người với đầy đủ trí tuệ, năng lực và những phẩm chất cần có. NQTW9 đánh giá: "So với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng".
 |
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm. Ảnh : Documentary.vn
|
Cho nên, xét một cách tổng thể thì NQTW9 đã ra đời đúng lúc, tạo nên sự phấn khởi và hy vọng mới. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là Nghị quyết phải được triển khai thực hiện sao cho thật hiệu quả, làm chuyển biến toàn diện nền văn hóa nước nhà mới là điều đáng quan tâm.
PV: Đề cương văn hóa 1943, NQTW5 (khóa VIII) và NQTW9 (khóa XI) là những văn kiện chuyên sâu về văn hóa. Xin GS cho biết bước phát triển mới trong văn kiện lần này?
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm: Theo tôi, ba văn kiện đó đánh dấu ba bước phát triển có tính chất chiến lược.
Năm 1943, trong bối cảnh đất nước ta đang bị ngoại bang xâm chiếm, đương nhiên văn hóa bị chi phối mạnh bởi ảnh hưởng văn hóa ngoại lai. Thời điểm đó, theo nhận định của Tổng bí thư Trường Chinh, văn hóa mang ba nhược điểm lớn là: Phản dân tộc, phản khoa học và phản đại chúng. Bởi vậy, Đề cương văn hóa Việt Nam nêu ra ba nguyên tắc vận động văn hóa cơ bản là dân tộc (chống nô dịch, thuộc địa), khoa học (chống mê tín, dị đoan, phản tiến bộ), đại chúng (thực hiện dân chủ, công bằng, chống xa rời quần chúng). Đề cương này là một văn kiện chính trị quan trọng của Đảng với nội dung ngắn gọn, xúc tích, tính khoa học sâu sắc và tầm nhìn chiến lược. Có thể ví Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 như một cương lĩnh Mác-xít về cách mạng văn hóa của dân tộc ta trong thời kỳ lịch sử lâu dài; nhiều nội dung cho đến nay vẫn còn mang tính thời sự.
 |
Sinh hoạt văn hóa truyền thống ở các làng quê sôi động trở lại trong những năm gần đây. Ảnh: Hoàng Thành
|
NQTW5 (khóa VIII) ra đời năm 1998 đánh dấu bước chuyển quan trọng từ mục tiêu “xây dựng nền văn hóa XHCN” được thông qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ IV năm 1976 sang mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong đó, yếu tố “tiên tiến” được đặt lên trước khẳng định quyết tâm hội nhập với văn hóa các nước trên thế giới. Đây là một xu hướng, mở ra cả thời cơ và thách thức. “Tiên tiến” nhưng không xa rời cốt cách, bản sắc dân tộc; hội nhập nhưng không hòa tan bởi văn hóa là “thẻ căn cước” của một quốc gia, là giá trị định vị dân tộc. Nếu như mục tiêu xây dựng nền văn hóa XHCN của 20 năm trước rất trừu tượng, chung chung, dễ dẫn đến hiểu sai, thực hiện sai thì mục tiêu “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” lại rất rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với mặt bằng dân trí của đại bộ phận nhân dân. Bởi thế, nó được nhân dân đón nhận một cách tự nhiên, phấn khởi. Điều đó chứng tỏ văn kiện này rất có tầm nhìn, đúng hướng, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Thế nhưng, từ đó đến nay, việc triển khai thực hiện NQTW5 (khóa VIII) và kết quả đạt được chưa như mong đợi. Tuy Đảng đã xác định “văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội” nhưng thực tế trong suy nghĩ, hành động, việc làm của các cấp đều quá coi trọng kinh tế. Hầu hết các chủ trương, giải pháp đưa ra đều tập trung cho phát triển kinh tế mà xem nhẹ văn hóa. Dường như toàn bộ “vấn đề văn hóa” được “khoán” cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì quản lý, tổ chức, hướng dẫn thực hiện. Như thế, văn hóa vô hình trung bị thu hẹp phạm vi và trở nên “hành chính hóa”, không còn là một phạm trù tổng thể các giá trị vật chất, tinh thần; dẫn tới nhiều hạn chế, khuyết điểm như trong văn kiện NQTW9 đã nêu.
Ở NQTW9 lần này, Đảng ta đã kế thừa những giá trị của các văn kiện trước và khẳng định: Văn hóa phải gắn với con người. Điều đó được thể hiện ngay ở tiêu đề văn kiện là “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Những văn kiện trước có nói đến con người nhưng còn rất mờ nhạt, chung chung. Con người trong NQTW9 đã cụ thể hơn, rõ ràng hơn với đầy đủ những yêu cầu về phẩm chất, năng lực cần có của con người thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Đây là điểm mới nổi bật của NQTW9. Tinh thần cơ bản của Nghị quyết là “dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học” khiến chúng ta liên tưởng tới Đề cương văn hóa năm 1943 với nội dung cốt lõi là “dân tộc, khoa học, đại chúng”. Thực tế hiện nay chúng ta cũng đang đối mặt với nạn xâm lăng về văn hóa, với những yếu tố phản cảm, phản văn hóa, phi văn hóa do mở cửa hội nhập và mặt trái của nền kinh tế thị trường, bởi vậy mà phải coi trọng yêu cầu “dân tộc”. Cùng với đó là sự mai một nhiều giá trị tinh thần truyền thống và nhu cầu tiếp nhận các giá trị tinh hoa của các nền văn hóa trên thế giới, bởi vậy mà phải nhấn mạnh yếu tố “nhân văn”. Cuối cùng, tính “dân chủ” và “khoa học” cũng cần được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thời đại. Cho nên, NQTW9 có thể nói là một bước phát triển quan trọng trong tư duy nhận thức của Đảng. Vấn đề vẫn là chúng ta sẽ thực hiện như thế nào mà thôi.
PV: Quan điểm thứ nhất trong NQTW9 xác định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Theo GS, đây có phải là quan điểm mới? Những khó khăn cần giải quyết khi “đặt ngang hàng”?
GS. TSKH Trần Ngọc Thêm: Đây không phải là quan điểm mới mà thực chất chỉ là khẳng định lại cho rõ ràng hơn. Từ năm 1993, trong NQTW4 (khóa VII) “Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt”, Đảng ta đã xác định vấn đề này rồi. NQTW5 (khóa VIII) cũng đã nêu rất rõ nội dung trên tại quan điểm thứ nhất. Điểm khác ở đây chỉ là NQTW9 đã thay cụm từ “thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội” bằng cụm từ “phát triển bền vững đất nước”. Sự thay đổi này có hai ý: Một là khẳng định mạnh hơn vai trò của văn hóa: Văn hóa không chỉ là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển mà là mục tiêu, động lực trực tiếp cho sự phát triển. Hai là sự phát triển này phải mang tính bền vững và không chỉ giới hạn trong phạm vi kinh tế-xã hội mà là phát triển cả đất nước. Cụm từ này phù hợp với tình hình thực tế nước ta đang có nhiều vấn đề cần quan tâm không chỉ cho trước mắt mà cả cho lâu dài.
Với vế thứ hai của quan điểm thứ nhất - “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” - tôi cho rằng đây cũng không phải là quan điểm mới. Ngay Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 cũng đã khẳng định: “văn hóa là một trong ba mặt trận mà người cộng sản phải quan tâm”. Cái khó ở đây là vấn đề con người, vấn đề thực hiện. Thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp, nguyên nhân thất bại của kinh tế bắt nguồn từ con người, từ văn hóa, nhưng ta lại đi tìm biện pháp khắc phục ở kinh tế. Vẫn những con người ấy, cơ chế ấy, cung cách quản lý ấy… thì biện pháp, phương tiện… dù có tốt đến mấy cũng khó lòng khắc phục.
Mặt khác, việc “đặt ngang hàng” không nên chỉ hiểu là vị trí ngang nhau, coi trọng ngang nhau một cách đơn thuần mà điều không kém phần quan trọng là phải hiểu được mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa văn hóa và kinh tế. Không có kinh tế thì không phát triển được văn hóa; và ngược lại, có một nền văn hóa phát triển toàn diện thì mới có nền kinh tế phát triển bền vững. Hơn thế nữa, văn hóa còn chi phối kinh tế: Một nền văn hóa tiểu nông tầm nhìn hạn hẹp với lối sống tùy tiện biến báo tất sẽ đẻ ra một nền kinh tế chộp giật, ăn xổi ở thì, thậm chí vi phạm pháp luật, đạo đức truyền thống, thuần phong mỹ tục.
XUÂN BỘ VÀ HOÀNG THÀNH (thực hiện)
Bài 2: Phải coi trong xây dựng con người