QĐND - Trong những năm công tác tại Cục Chính trị Quân khu 5 (QK5) và Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, tôi may mắn ba lần được gặp và nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện. Phong thái của Đại tướng để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc. Đại tướng nói ngắn gọn, nội dung thiết thực, nhưng là những vấn đề có tầm nhìn xa rộng, mang tầm chiến lược.
Tại Đà Nẵng, cuối năm 1977, QK5 tổ chức Hội nghị tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đại tướng vào dự. Sau khi biểu dương những thành tích xuất sắc, Đại tướng căn dặn: Chiến tranh kết thúc, nhưng hai nhiệm vụ chiến lược, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của QK5 vẫn rất nặng nề, quan trọng và lâu dài… Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ QK5 phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không một phút lơ là, lơi lỏng, phải đặt nhiệm vụ trọng tâm huấn luyện SSCĐ cao lên hàng đầu, có lệnh là hành quân được ngay…
Tháng 2-1989, trên cương vị Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Chính phủ tiếp kiến Thống chế Me-ra, dẫn đầu Phái đoàn quân sự cấp cao Ấn Độ sang thăm nước ta. Ngài Me-ra rất ca ngợi các chiến tích vĩ đại của nhân dân ta, đặc biệt ca ngợi Đại tướng là một vị tướng tài ba của Việt Nam và thế giới.
Đại tướng vỗ nhè nhẹ vào cánh tay ngài Me-ra, như muốn nhắc đừng ca ngợi nhiều về ông và tiếp lời: “Việt Nam đã đánh thắng những kẻ thù xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới, vì Việt Nam đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự. Còn các tướng lĩnh chúng ta, dù có tài giỏi đến đâu, nhưng nếu không có một tập thể lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, không có một dân tộc anh hùng và một quân đội anh hùng, thì cũng không thể làm nên công trạng và thành tích nào…”.
Tháng 12-1989, tại Plei-cu, tỉnh Gia Lai, Đại tướng thay mặt Chính phủ đón cánh quân tình nguyện của QK5 làm nhiệm vụ quốc tế tại 4 tỉnh Đông Bắc Cam-pu-chia, rút toàn bộ về nước. Sau đó, Đại tướng có cuộc làm việc với Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 và gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ binh đoàn. Đại tướng căn dặn: Binh đoàn 15 phải động viên cán bộ, chiến sĩ, công nhân… làm hết sức mình xây dựng Tây Nguyên giàu mạnh, vững chắc cả về kinh tế, an ninh, quốc phòng, mới đáp ứng được vị trí quan trọng của Tây Nguyên trong thời kỳ mới. Bỗng dưng, tôi thấy Đại tướng lặng đi, giọng nghẹn ngào: Sự hy sinh và công lao của đồng bào các dân tộc lớn lắm, không gì sánh được. Nhưng bà con miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa còn khổ cực, tối tăm quá! Nhiều đêm mình thấy lòng đau xót, trăn trở, cảm thấy như mình có lỗi, chưa làm tròn trách nhiệm với đồng bào. Chúng ta phải đời đời nhớ ơn đồng bào và đền đáp một cách xứng đáng nhất. Xây dựng căn cứ địa vững chắc, trước hết là căn cứ địa lòng dân. Có dân là có tất cả. Mất lòng dân là mất tất cả...
Lần đó, Đại tướng đã đề xuất ý tưởng đi trước thời gian, gợi mở Binh đoàn 15 cần nghiên cứu mô hình kinh tế trang trại ở Tây Nguyên, xây dựng vùng sản xuất chuyên canh lớn để thu hút đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia lao động, qua đó cải thiện đời sống… Binh đoàn 15 kiên trì làm theo hướng đó và đã thành công.
HỒ NGỌC SƠN, Nguyên Trưởng phòng Báo chí-Thông tấn, Cục Tuyên huấn, TCCT
Rèn luyện, bồi đắp nét đẹp người chiến sĩ Thủ đô
LLVT thủ đô Hà Nội đảm nhiệm trọng trách bảo vệ Thủ đô, luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, đêm 20-12-1946, Đại tướng trực tiếp đến trận địa của quân ta trên các phố Khâm Thiên, Ô Chợ Dừa để kiểm tra chiến đấu.
Tháng 10-1954, cán bộ, chiến sĩ Thủ đô hân hoan tiến về giải phóng quê hương và bảo vệ thủ đô Hà Nội. Năm 1964, Bộ tư lệnh Thủ đô được thành lập theo Quyết định của Bộ Quốc phòng và nhanh chóng phát triển lực lượng, xây dựng thế trận, SSCĐ. Tuy bận rất nhiều công việc, nhưng Đại tướng thường xuyên theo dõi nắm chắc tình hình xây dựng LLVT Thủ đô, nhất là nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ. Thực hiện tiên đoán của Bác Hồ từ năm 1968: “Mỹ nhất định thua, nhưng chúng chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”, Đại tướng cùng Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo Quân chủng PK-KQ nghiên cứu, phê duyệt các phương án đánh B52 và chỉ thị: “Khẩn trương hoàn thành kế hoạch bảo vệ Hà Nội; gấp rút huấn luyện cho bộ đội cách đánh B-52”. Trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, Đại tướng luôn có mặt trên nhiều trận địa pháo cao xạ, tên lửa động viên cán bộ, chiến sĩ anh dũng chiến đấu, hoặc gọi điện trực tiếp xuống các đơn vị biểu dương bộ đội Phòng không Hà Nội đã đánh tốt, xứng đáng với lòng tin cậy của nhân dân.
Thiếu tướng Lê Hùng Mạnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội xúc động bày tỏ: Thủ đô Hà Nội, nhân dân và LLVT thủ đô Hà Nội có rất nhiều kỷ niệm sâu sắc, gắn bó với Đại tướng trong đời thường, cũng như khi Đại tướng làm việc tại Tổng hành dinh, đặc biệt trong những thời khắc lịch sử của “nghiêp” cầm quân. Trong hồi ký của Đại tướng, khi quân ta toàn thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có đoạn: “… Mặt trời đã khuất sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn. Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt tôi cứ trào ra. Giá như còn Bác…”.
- Đại tướng đã về với quê hương, hòa vào trong lòng đất mẹ, nhưng hình ảnh, tình cảm của Đại tướng vẫn in đậm trong tâm khảm của quân và dân Thủ đô! - Chính ủy Nguyễn Hùng Mạnh khẳng định. Cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô biến đau thương thành hành động cụ thể; học tập, noi theo tấm gương đạo đức, tinh thần “dĩ công vi thượng” của Đại tướng, đẩy mạnh xây dựng, bồi đắp những giá trị văn hóa, nét đẹp của người chiến sĩ Thủ đô, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự quan tâm, tình cảm đặc biệt và niềm tin yêu của Đại tướng”.
HỮU VĂN