“Giúp bạn là mình tự giúp mình”
Ngược dòng lịch sử, hơn 7 thập niên trước, ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Lào Issara đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt vào ngày 16-10-1945 và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt vào ngày 30-10-1945. Đây là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam và Lào hợp tác và đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung. Từ năm 1948, lực lượng quân sự của Việt Nam tại Lào từng bước được tổ chức thành các đơn vị độc lập với quy mô cấp đại đội, tiểu đoàn và trung đoàn. Ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”, là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự Việt Nam trên chiến trường Lào.
Với tinh thần quốc tế vô sản cũng như thực hiện phương châm đầy tính nhân văn và ý nghĩa chính trị sâu sắc do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn “giúp bạn là mình tự giúp mình”, lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã giúp bạn gây dựng cơ sở chính trị; xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang (LLVT) và các căn cứ cách mạng, phát triển chiến tranh nhân dân đáp ứng yêu cầu kháng chiến; huấn luyện LLVT, tăng cường công tác chính trị, xây dựng Đảng; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ đủ sức đảm đương nhiệm vụ của cách mạng Lào; sát cánh với quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào chiến đấu, từng bước đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt, lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp với các hướng chiến trường khác, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, từ năm 1951 đến 1952, lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam cùng quân và dân Lào vừa chống địch càn quét, bảo vệ khu căn cứ kháng chiến; vừa tiến hành các mặt xây dựng và phát triển thực lực cách mạng. Các khu căn cứ kháng chiến, căn cứ du kích được củng cố và phát triển là chỗ dựa quan trọng để cung cấp sức người, sức của cho kháng chiến; đồng thời là bàn đạp để tiến công tiêu diệt địch trong các trận đánh lớn, các chiến dịch quan trọng. Cùng với việc chiến đấu bảo vệ căn cứ kháng chiến, Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam phối hợp với quân đội Lào và nhân dân các bộ tộc Lào triển khai chu đáo các mặt công tác chuẩn bị chiến trường. Nhờ đó, trong các trận đánh, nhất là trong các chiến dịch Thượng Lào, Trung Lào và Hạ Lào diễn ra trong các năm 1953 và 1954, quy mô lực lượng của ta và bạn tham gia ngày càng lớn, khối lượng lương thực, vũ khí và các nhu cầu khác bảo đảm cho tác chiến ngày càng tăng. Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, chiến trường Lào thực sự trở thành một chiến trường phối hợp rất đắc lực cho chiến trường chính Bắc Bộ Việt Nam khi thu hút và giam chân gần 30 tiểu đoàn cơ động địch, loại khỏi vòng chiến đấu 8.300 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn gần 100.000km2, cô lập và tạo điều kiện cho quân và dân Việt Nam giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Trong khi đó, ngay từ khi đế quốc Mỹ can thiệp và xâm lược Lào, ta và bạn đã tích cực triển khai các mặt chuẩn bị chiến trường, như: Điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các địa bàn chiến lược, theo dõi nắm địch, chuẩn bị cơ sở quần chúng, dự trữ lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược, xây dựng hệ thống đường giao thông, nhất là ở phía tây Trường Sơn. Nhờ chuẩn bị chiến trường chu đáo, trong các chiến dịch tiến công trên chiến trường Lào giai đoạn 1962-1972, lực lượng quân tình nguyện, quân chủ lực của ta và bạn tham gia ngày càng lớn. Ngoài ra, còn có hàng nghìn đội dân quân du kích và dân công phục vụ trên địa bàn chiến dịch. Chiến trường Lào trở thành chiến trường phối hợp rất đắc lực với chiến trường chính, tạo nên những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nước Cộng hòa DCND Lào lại đứng trước tình thế an ninh chính trị, chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa. Trong bối cảnh đó, theo yêu cầu chính thức của Lào, lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam một lần nữa trở lại giúp bạn, cùng bạn chiến đấu truy quét thổ phỉ và đập tan các âm mưu, ý đồ chống phá, gây bạo loạn của các thế lực thù địch, phản động lưu vong, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Lào, đem lại cuộc sống hòa bình, hạnh phúc cho nhân dân các bộ tộc Lào.
Ghi nhận công lao
Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân hai nước Việt Nam-Lào, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào luôn nêu cao tinh thần quốc tế vô sản, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, sát cánh cùng quân đội và nhân dân Lào chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. “Khi nhìn lại những ngày tháng gian khổ đấu tranh vì độc lập dân tộc của quân đội và nhân dân hai nước Lào-Việt Nam, Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào chúng tôi càng cảm động và vô cùng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam nói chung, đối với các cựu chiến sĩ cách mạng, quân đội Bác Hồ nói riêng vì đã cùng với quân đội và nhân dân Lào cống hiến, hy sinh to lớn cả tính mạng, xương máu và tuổi thanh xuân của mình để thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào hàng chục năm. Có người coi nước Lào là ngôi nhà quê hương thứ hai của mình. Có người đã dành cuộc sống của mình vào hoạt động đấu tranh, làm chuyên gia cho các ngành, các lĩnh vực của Lào nhiều hơn thời gian ở với con cái, gia đình, bố mẹ ở Việt Nam”, Đại tướng Chansamone Chanyalat, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào khẳng định trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30-10-1949 / 30-10-2019).
Với những chiến công xuất sắc và đóng góp to lớn đối với cách mạng hai nước Việt Nam-Lào, lực lượng Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng-Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Huân chương Vàng quốc gia-Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước Cộng hòa DCND Lào.
Phát huy những thành tựu to lớn trong quan hệ đặc biệt và truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hai dân tộc Việt Nam-Lào, truyền thống vẻ vang của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, ngày nay quân đội hai nước không ngừng tăng cường đoàn kết, bảo đảm cho quan hệ quốc phòng thực sự trở thành một trong những trụ cột của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Trên cơ sở định hướng của thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng về quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Lào thường xuyên tiến hành các cuộc gặp trao đổi, phối hợp giúp đỡ lẫn nhau về xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chuyên môn. Hằng năm, Việt Nam cử chuyên gia quân sự sang làm nhiệm vụ quốc tế, xây dựng các kế hoạch và lập phương án tác chiến giúp Lào. Về đào tạo cán bộ, ngoài chương trình đào tạo dài hạn, Bộ Quốc phòng Việt Nam thường xuyên tổ chức các lớp học ngắn hạn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị của quân đội Lào. Hai bên cũng hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công tác tuyên truyền về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và quân đội hai nước; đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập và hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh tại Lào...
Với nỗ lực của hai Đảng, hai Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước, chúng ta tin tưởng rằng quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào được Chủ tịch Souphanouvong khắc họa là “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất” sẽ mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững và không ngừng đơm hoa kết trái vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
HOÀNG VŨ