Bác sĩ Cường kể: “Bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Dù việc tiếp nhận bệnh nhân vượt phạm vi cứu chữa của bệnh viện, nhưng với sự tin tưởng, đánh giá cao của LHQ về trình độ chuyên môn và năng lực điều trị của BVDC Việt Nam và tình huống rất cấp bách nên bệnh viện đã nhanh chóng hội chẩn, tiến hành cấp cứu kịp thời. Chứng kiến giây phút xúc động và đầy thử thách ấy của các đồng đội, tôi quyết định viết bài để mô tả lại nhiệm vụ chia sẻ về nước. Bài báo đầu tiên ấy đã được vinh dự đăng trên Báo Quân đội nhân dân”.

“Phóng viên” Trương Uyên Cường tác nghiệp tại Nam Sudan.Ảnh nhân vật cung cấp.

Nhận nhiệm vụ lên đường tới Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ (GGHB LHQ) tại Nam Sudan công tác vào đầu tháng 11-2019, bác sĩ Cường trên cương vị là sĩ quan quản lý hồ sơ và bác sĩ Khoa Khám bệnh thuộc BVDC2.2. Tới phái bộ được hơn 2 tháng thì dịch Covid-19 bùng phát, nhiệm vụ chuyên môn nói chung và đời sống sinh hoạt và công tác tuyên truyền về BVDC2.2 của Việt Nam tại thực địa chịu rất nhiều chi phối, phóng viên chuyên trách không có mà nhiệm vụ tuyên truyền là 1 trong 4 trọng tâm mà BVDC2.2 được Đảng ủy, chỉ huy Cục GGHB Việt Nam giao cho bệnh viện trước khi lên đường nhận nhiệm vụ. May mắn có chút năng khiếu về chụp ảnh và viết lách nên bác sĩ Cường được Đảng ủy, Ban giám đốc BVDC2.2 giao thêm nhiệm vụ phụ trách Tổ truyền thông (Media) gồm 3 bác sĩ và 1 điều dưỡng. Họ đều là những cộng tác viên lần đầu làm báo.

“Làm báo-tôi hiểu đây là một nghề rất khó, phải am hiểu sâu, rộng về nhiều lĩnh vực, khả năng phân tích, khái quát và tổng hợp tốt, nhạy cảm chính trị cao. Bắt tay vào công việc mới thấy nhiệm vụ làm báo không đơn giản chỉ là mô tả lại những gì đang xảy ra, mà người viết phải biết chắt lọc thông tin, lựa chọn câu chữ để lột tả được sự kiện, giúp bạn đọc dù không có chuyên môn cũng vẫn hiểu được công việc mà người viết đề cập; đồng thời, hiểu rõ hơn về ý nghĩa, thông điệp mà mình muốn truyền tải”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Để có được những bài báo ở nơi đặc biệt đó, những bác sĩ không chỉ tìm cách thu xếp công việc chuyên môn của mình là khám, chữa bệnh mà còn đối mặt không ít hiểm nguy trong quá trình tác nghiệp, vì ở Nam Sudan người dân rất ghét bị quay phim, chụp ảnh và đưa lên báo, truyền hình.

“Có lần đơn vị thực hiện nhiệm vụ bên ngoài căn cứ của phái bộ GGHB LHQ, nhóm chúng tôi gặp lực lượng các phe, nhóm vũ trang, súng ống đầy người. Họ tỏ thái độ khá hung dữ và đe dọa khi chúng tôi tác nghiệp. Khi nghe giải thích về nhiệm vụ quốc tế của chúng tôi tại đây, biết chúng tôi là những quân nhân từ Việt Nam tới, thái độ của họ đã dễ chịu hẳn và không gây khó khăn nữa”, bác sĩ Cường nhớ lại kỷ niệm khó quên mà nghề báo mang lại cho mình.

Sau hơn 18 tháng thực hiện nhiệm vụ tại Bentiu, Nam Sudan, những "phóng viên đặc biệt” đã sản xuất được hàng chục bài báo và hàng trăm hình ảnh, tư liệu đăng trên các báo, đài trong nước. Bạn đọc không chỉ Việt Nam mà cả quốc tế có điều kiện hiểu hơn về những công việc và cuộc sống của những “Chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam” trong sứ mệnh chung cùng kiến tạo và GGHB của LHQ.

KHÁNH HÀ