QĐND Online – Ngày 7-11, Quốc hội đã dành trọn một ngày để thảo luận về công tác tư pháp, công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật tội phạm và phòng, chống tham nhũng (PCTN). Các ý kiến tâm huyết, phong phú, đề cập đến nhiều khía cạnh, nhiều mặt công tác. Nhiều ý kiến chỉ ra tình trạng tội pham, tham nhũng còn nhiều có một nguyên nhân quan trọng là đội ngũ cán bộ chưa trong sạch, vững mạnh…

Trong phiên thảo luận, các đại biểu đều đồng tình và cho rằng, ngành tư pháp đã có nhiều cố gắng trong triển khai tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Tích cực điều tra, truy tố xét xử kịp thời, đúng pháp luật. Trong điều kiện nền kinh tế, đời sống, việc làm còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được ổn định và đảm bảo, là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sản xuất phát triển. Trong năm, đã khởi tố 26.353 vụ án xâm phạm trật tự trị an xã hội, tăng 202 vụ so với cùng kỳ về các hành vi giết người, gây thương tích, chống người thi hành công vụ. Trong đó, đã đưa ra khởi tố, xét xử kịp thời một số băng nhóm tội phạm có tổ chức, có tính xã hội đen, sử dụng vũ khí nóng, hành vi phạm tội mang tính chất manh động, côn đồ. Đã khởi tố 315 vụ án về tham nhũng, tăng 36 vụ so với cùng kỳ với các tội tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ vì vụ lợi, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt tài sản…

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (đoàn Đà Nẵng) phát biểu ý kiến

Đại biểu Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) cho rằng: Tới nay, tuy chưa hết một năm triển khai nhưng các cơ quan tư pháp đã tập trung quán triệt và triển khai thực hiện với một trách nhiệm rất cao, có nhiều giải pháp và phương pháp phối hợp, kết hợp hữu hiệu để đạt các chỉ tiêu và yêu cầu của Nghị quyết 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác kiểm sát nhân dân, của tòa án nhân dân và công tác thi hành án năm 2013 đề ra.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Lưu Thị Huyền (đoàn Ninh Bình) khẳng định: Trong điều kiện tình hình kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và tội phạm trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, tác động nhiều chiều tới tình hình trong nước, Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã nỗ lực khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện Nghị quyết, tạo được bước chuyển biến rõ rệt trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Mặc dù, đánh giá cao sự nỗ lực của các lực lượng trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, nhưng đại biểu Huyền cũng như nhiều đại biểu chỉ ra, cử tri vẫn còn băn khoăn về tình trạng vi phạm pháp luật, tội phạm trong năm 2013 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Công tác PCTN nhũng chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn và từng bước đẩy lùi. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng với các biểu hiện tinh vi và phức tạp.

Cùng góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) cho rằng: Chúng ta cũng cần phải đánh giá khách quan và ghi nhận những tiến bộ đạt được trong công tác PCTN năm 2013. Nó thể hiện trên 2 mặt chính: Thứ nhất, PCTN đã được hệ thống chính trị mà trực tiếp là Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách tích cực, toàn diện, khá đồng bộ, có những nét mới; thứ hai là kết quả triển khai công tác PCTN với những giải pháp cơ bản năm 2013 đã đạt được những chuyển biến tích cực so với năm 2012.

Đại biểu Khánh đồng tình với đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) về việc kiến nghị thành lập cơ quan điều tra độc lập trực thuộc Quốc hội hoặc Ban chỉ đạo PCTN Trung ương để có công cụ và giúp việc trong việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PCTN hiện nay.

Góp ý về PCTN, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh: Một nguyên nhân cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, phá hoại nỗ lực xây dựng phát triển đất nước làm xói mòn lòng tin của nhân dân trong nhiều năm qua là tình trạng tham nhũng, lãng phí. Đại biểu đồng ý với ý kiến cho rằng tình hình kinh tế suy thoái, khó khăn hiện nay có nguyên nhân rất quan trọng do tình trạng tham nhũng tràn lan, các công trình dự án đều phải chạy chọt, “bôi trơn”; chính tham nhũng cũng gây nên nợ xấu, tồn kho và doanh nghiệp chính là nạn nhân. Từ nhận thức đó, đại biểu cho rằng: “Trước đây chúng ta coi trọng các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng, nay chúng ta cần quyết liệt chống tham nhũng vì chống cũng là để phòng ngừa”. Đại biểu đề nghị: Các cơ quan thanh tra, kiểm toán bổ sung vào kế hoạch năm 2014 việc thanh tra, kiểm toán tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, báo cáo kết quả cho Quốc hội; kiểm toán, thanh tra các dự án đầu tư giao thông, các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước kể cả đầu tư ra nước ngoài.

“Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận vụ việc không có dấu hiệu tội phạm hoặc chỉ đề nghị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật mà sau đó cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phát hiện bỏ lọt tội phạm và khởi tố điều tra xử lý hình sự”, đại biểu Hiến góp ý.

Góp ý về phòng chống tội phạm, đại biểu Trương Thái Hiền (đoàn Kiên Giang) bày tỏ lo lắng và đưa ra giải pháp mạnh, khi đề nghị: “Các ngành chức năng phải mạnh tay triệt phá. Nơi nào, địa phương nào để bọn xã hội đen có đất sinh sống thì trước hết người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm kỷ luật hoặc thuyên chuyển làm công tác khác”.

Đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) đánh giá cao việc tăng cường phát hiện, xử lý cán bộ sai phạm, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, của các cơ quan tư pháp trong việc chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn số cán bộ công chức sai phạm bị phát hiện và xử lý chưa nhiều. Việc tự phát hiện cán bộ sai phạm của lãnh đạo, cơ quan, đơn vị không nhiều mà chủ yếu là qua phát hiện của báo chí, qua đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, qua công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.

Kết thúc phần phát biểu của mình, đại biểu nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ cán cân công lý chỉ được giữ nghiêm khi có được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Điều này tùy thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan tư pháp”.

XUÂN DŨNG